Chinh phục vùng đất đói nghèo
Hơn 10 năm trước, bản Vĩnh Kim (xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn) là vùng đất đói nghèo, lạc hậu. Cho đến khi sức người làm mềm sỏi đá để những ruộng hoang, đồi trọc được phủ xanh keo, cây ăn quả và những trang trại rộng ngút ngàn... thì Vĩnh Kim thực sự sáng lên diện mạo mới ấm no.
Trên con đường dẫn vào bản Vĩnh Kim, ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoa Sơn cười rung cặp kính khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện diễn ra cách đây hơn chục năm, khi bản Vĩnh Kim còn nghèo nhất xã. Rằng có lần, một phóng viên nọ tìm đến nhà ông Huỳnh - ông bố của 9 đứa con chỉ cách nhau năm một - ông nhà báo vui tính hỏi nửa đùa nửa thật: “Thế bao giờ thì bác định “ngừng” đẻ?”. Ông Huỳnh đáp: “Bao giờ con tui xếp hàng đủ dài từ nhà ra đến cổng thì tui mới ngừng!”.
“Hồi ấy, cái sự sinh đẻ nó hồn nhiên và vô tội vạ lắm. Nhưng giờ đã khác rồi, bà con đã nhận thức đẻ nhiều mà không làm ra ăn chỉ thêm khổ, nên đã 6 năm nay, từ khi Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3” được thành lập thì không có vợ chồng nào vỡ kế hoạch.Thậm chí, trong 20 cặp vợ chồng đang ở độ tuổi sinh đẻ có khoảng 7-8 cặp sinh con gái một bề cũng cam kết chỉ dừng lại ở 2 con.
Từ chỗ sinh đẻ có kế hoạch, bà con đầu tư thời gian, tiền bạc tập trung làm kinh tế để đưa thu nhập tiến gần mức bình quân của xã nay đã đạt 34 triệu đồng/hộ/năm. Bản Vĩnh Kim cũng là đơn vị tiên phong góp phần đưa xã Hoa Sơn cán đích Nông thôn mới vào năm 2017”, ông Linh vừa nói vừa rà xe dừng lại bên đồi keo trải dài gần 20 ha của gia đình ông Lương Văn Nghiêm (sinh năm 1963).
Nhà có khách nhưng phải một lúc lâu sau mới thấy ông Nghiêm trong bộ đồ làm rừng trở về. Căn nhà sàn của ông nằm lọt thỏm giữa bao la núi đồi, bao phủ xung quanh là màu xanh ngút mắt của hơn 1 ha mía, sắn cùng 19,7 ha keo. Sắp xếp bộ đồ nghề đi rừng gồm dao mẹo, rựa và chiếc mũ bảo hộ, ông Nghiêm chậm rãi kể lại quãng thời gian khai sơn khởi thủy ở xứ Khe Tro này.
Ông Nghiêm là người dân tộc Thái Thanh. Thời điểm năm 1991, nhà ông nằm ở đầu bản Vĩnh Kim, nhưng rồi có chính sách khai hoang làm kinh tế của Nhà nước thì vợ chồng chuyển hẳn vào trong này. Hồi đó, Khe Tro - nơi ông chọn để an cư lạc nghiệp chỉ toàn đất đá sỏi, cây dại mọc đan kín đầu người. Sau khi tạm dựng cho mình một chiếc lán để che mưa, che nắng, vợ chồng ông bắt đầu làm cỏ, phát quang bụi rậm rồi đào hố để kéo gần chục chuyến xe trâu chở bầu giống vào trồng.
Ngày ấy, lối qua Khe Sừng để vào vùng Khe Tro của ông chưa có cây cầu Vĩnh Kim chắc chắn, uy nghi như bây giờ. Bất kể đi đâu, làm gì đều phải lội qua con khe ắp nước. Vào mùa hạn thì chẳng sao, đến mùa mưa nước khe dâng tràn gần 7 - 8 mét, nước chảy xiết khiến cái chân đi chẳng còn vững, huống hồ là mang vác đồ đạc, vật dụng.
Qua được con khe còn cả chặng đường rừng nhấp nhô, trơn trượt. Ấy thế mà cả trâu, cả người cứ lầm lũi hết chở bầu giống lại ủi đất, san gò. Cho đến khi bàn chân, bàn tay chai dày thì 7 ha keo cũng được trồng xong. Sau trồng keo, ông Nghiêm lại quay sang trồng mía, trồng sắn, ngô để có cái ăn qua ngày chờ keo cho thu hoạch.
Sau 17 năm “ăn sương, nằm gió” nơi sơn cùng thủy tận, vợ chồng ông Nghiêm đã mở rộng diện tích keo lên tới gấp 3 lần thời điểm ban đầu. Con đường dẫn vào trang trại nay đã to rộng đủ để đón chào hàng chục chuyến xe trọng tải hơn 20 tấn vận chuyển keo ra tiêu thụ.
Ngoài keo, ông Nghiêm còn phát triển đàn vật nuôi gần chục con bò và lợn để tận dụng nguồn phụ phẩm chăn nuôi từ diện tích 2 ha cây nông nghiệp đang canh tác. Nhờ thế, thu nhập mỗi năm mang lại cũng đã lên tới hàng trăm triệu đồng - con số mà trước đây chỉ có trong mơ ông mới dám nghĩ đến.
Ở Vĩnh Kim, ông Nguyễn Quang Hợp (sinh năm 1964) cũng là một lão nông dám “quật đá làm giàu”. Thời điểm những năm 90, ông đã từng cơm đùm cơm nắm khai hoang gần 5,5 ha đất rừng xứ Khe Khuôm. Khi những giọt mồ hôi rơi mòn sỏi đá, cũng là khi những vườn ngô, đậu, lạc... được đội mầm vươn mình lớn dậy.
Vậy nhưng, khi những quả ngọt bắt đầu kết trái, cũng là khi gia đình ông đối diện với nhiều khó khăn trước sự biến động của thị trường, của những đợt hạn hán kéo dài khô cháy cả cỏ cây. Tưởng chừng mọi nỗ lực đi vào ngõ cụt, thì năm 2006, khi được chứng kiến bà con ở xã Hùng Sơn “sống được” từ cây chè, ông Hợp cùng vợ tìm sang làm thuê, học hỏi. Những ngày đầu đưa chè về, ông chỉ dám làm thử 5 sào; thật không ngờ sau 3 năm chăm sóc thì chè đã bén rễ tốt tươi, cho sản lượng cao lại thơm ngon đậm đà.
Từ đó, gia đình ông Hợp tiến hành mở rộng diện tích lên 3,5 ha. Tính đến nay, gia đình ông đã thâm canh cây chè được 10 năm, sản lượng thu nhập bình quân hàng năm đạt 90 tấn/năm, bình quân mỗi năm cắt được 6 lứa, mỗi lứa đạt 15 tấn, giá cả hiện tại nhà máy thu mua từ 42.000 đến 45.000 đồng/kg. Trừ các chi phí hàng năm gia đình ông Hợp có lãi ròng từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Mô hình trồng chè của ông Hợp không chỉ giúp gia đình vươn lên làm giàu chính đáng, mà còn lan tỏa tốt đối với người dân bản Vĩnh Kim.