Một người phải gánh chịu sự nghiệt ngã của số phận khi 17 tuổi phải gắn chặt với chiếc giường vì hậu quả đáng tiếc của một vụ tai nạn. Một người lại gặp cảnh trắc trở, lận đận trong tình duyên và hôn nhân, tưởng chừng như mất hẳn niềm tin cuộc sống. Hai cảnh đời éo le ấy gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ và đồng hành trên chặng đường.
Ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng của vợ chồng ông Yến nằm cuối làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn (Đô Lương), trong vườn trồng đầy rau quả tốt bời bời, cho thấy chủ nhân của mảnh vườn là người siêng năng.
Nhà của ông Nguyễn Hải Yến (SN 1959) ở cuối làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn (Đô Lương - Nghệ An). Ngôi nhà không lớn, tiện nghi cũng không nhiều nhưng là tất cả sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình. Ảnh: Tường Anh Ông Nguyễn Hải Yến (SN 1959) nằm trên giường, trùm lên người chiếc chăn mỏng, đầu gối lên chiếc đòn bằng gỗ khá cao. Người đàn ông mắc chứng bại liệt ấy dùng hết sức lực để trở mình vào phía bức tường, ở đó có gắn một vòi nước. Ông Yến lấy chiếc can nhựa, đôi bàn tay co quắp vặn vòi, hứng nước rồi vo gạo nấu cơm bằng nồi điện, các thao tác được thực hiện một cách thuần thục.
Ông chia sẻ: “Hôm nay vợ có việc phải ra đồng, chắc về muộn nên tôi nói bà ấy chuẩn bị sẵn gạo để tự nấu cơm trưa, khi về thì cơm đã sẵn, chỉ còn nấu thức ăn”.
Vừa nằm trên chiếc giường nhỏ, ông Yến kể về cuộc đời mình, về chuyện tình yêu của ông bà và cuộc sống gia đình trong suốt 25 năm qua. Năm 17 tuổi, ông Yến đang học lớp 8/10, ngày ấy ông nổi tiếng học giỏi và chữ đẹp. Ngày nghỉ, ông ở nhà giúp bố chặt tre làm bờ rào, bỗng dưng một cây tre bị đổ, gốc cây đâm vào lưng đau điếng. Do chủ quan, không đi khám và chữa trị kịp thời, vết thương bị nhiễm trùng và ảnh hưởng đến xương khớp, dẫn đến kết quả đốt sống lưng bị tổn thương, ông bị bại liệt toàn thân, chân tay bị co rút, phải nằm một chỗ đến suốt đời.
Bạn bè lứa tuổi thanh niên thường đến nhà ông Yến chuyện trò, động viên và giúp ông khuây khỏa phần nào. Những khi có hội trại hay phong trào cổ động, mọi người thường nhờ ông Yến viết và cắt, dán băng rôn, khẩu hiệu, ai cũng phải trầm trồ trước sự khéo léo của đôi bàn tay co quắp, tật nguyền. Tiếng lành đồn xa, một người con gái xã bên viết thư làm quen, lâu dần hai người nảy sinh “tình ý”.
Nhưng phía gia đình cô gái kịch liệt phản đối, và cô gái ấy cũng không đủ bản lĩnh để vượt qua rào cản gia đình. Người thanh niên tật nguyền thêm một lần thất vọng, những mộng ước tương lai tan vỡ…
Ông Nguyễn Hải Yến. Ảnh: Tường Anh Mấy năm sau, qua mai mối của người thân, ông Yến và bà Dần có dịp gặp nhau. Bà Dần quê ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn), là người gặp cảnh long đong trong chuyện tình duyên khi cưới chồng khá nhiều năm nhưng trong nhà vẫn chưa có tiếng khóc, cười của con trẻ. Không đủ kiên nhẫn để chờ đợi, chồng cũ của bà đã tìm mọi cách để ly hôn, bà trở thành kẻ bơ vơ giữa cuộc đời, không còn chút niềm tin...
Cho đến khi gặp người đàn ông tật nguyền, cuộc đời chỉ gắn với chiếc giường, người phụ nữ bất hạnh bắt đầu có một cái nhìn khác về cuộc sống. Từ nỗi thương cảm đến tình yêu thương, bà Lê Thị Dần nhận lời cầu hôn, cho dù người thân, bạn bè ra sức can ngăn. Tình yêu luôn có lý lẽ riêng, bà Dần nghĩ cần có người bạn đời để chia sẻ tâm tình, cho dù cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn, vất vả, cho dù có thể sẽ không có được những đứa con.
Ông Nguyễn Hải Yến hạnh phúc, mừng vui lắm. Lễ thành hôn được tổ chức vào năm 1993, và ngay trong năm đó con gái đầu lòng của họ cất tiếng khóc chào đời. Mấy năm sau, bà Dần sinh tiếp 1 gái và 1 trai nữa. Chồng nằm một chỗ, các con còn nhỏ dại, một mình bà Dần quần quật với ruộng đồng, nương bãi để lo cái ăn hàng ngày, có lúc gia đình rơi vào cảnh túng quẫn.
Đôi tay bị co quắp nhưng ông Yến vẫn đan những chiếc nan và bện sợi dây mây một cách thuần thục. Ảnh: Tường Anh Thương vợ sống trong cảnh “nuôi đủ 3 con với 1 chồng”, ông Yến quyết định hành nghề đan lát để phụ giúp. Đôi bàn tay co quắp ban đầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc vót nan, chẻ sợi, nhưng chỉ một thời gian ngắn đã trở nên thuần thục. Những chiếc rổ, rá, kiềng… được ông Yến đan vừa chắc, vừa đẹp, người trong làng, trong xã thường đến đặt mua, giúp ông có thêm nguồn thu nhập.
Bên cạnh đó, nhờ sự sẻ chia, giúp đỡ về cả tinh thần và vật chất của cộng đồng, nhất là những nhà hảo tâm, những khó khăn trong cuộc sống dần vơi đi.
Hiện tại, con gái đầu của ông bà đã lập gia đình và sinh hai con, con gái thứ hai tốt nghiệp đại học và cũng đã lấy chồng, sinh con. Cậu con trai út đang học nghề tại thành phố Vinh, ông bà lại trở về “thời son rỗi”.
Phần tư thế kỷ đi qua tưởng chừng chỉ là thoáng chốc, những cay đắng, khổ ải của cuộc đời cũng đã lùi vào dĩ vãng, chỉ có tình yêu thương đọng mãi và lớn dần theo năm tháng. Nhưng không có nghĩa là cuộc sống đã hết những khó khăn, vất vả, bởi phía trước vẫn còn bao nỗi lo toan đang đợi chờ.
Trong 25 năm qua, bà Lê Thị Dần (SN 1962) tự nguyện nhận lời làm vợ người đàn ông tật nguyền, luôn ở bên để chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Ảnh: Tường Anh Gần trưa, bà Lê Thị Dần (SN 1962) - vợ ông Yến khẽ đẩy cánh cổng bước vào sân, tay cầm chiếc giỏ chứa đầy những con cua đồng. “Ông ấy bảo lâu ngày không ăn canh cua thấy nhớ, thấy thèm nên sáng nay tôi ra đồng bắt về một ít để nấu canh” - bà Dần giải thích. Vừa bước vào nhà, người phụ nữ ấy liền bắt đầu với công việc nấu nướng, chỉ một lúc sau mùi canh cua đã bắt đầu tỏa ra khắp ngôi nhà nhỏ.
“Đến nay, vẫn còn nhiều người chê tôi là dại, là không bình thường khi nhận lời làm vợ ông ấy. Nhưng tôi bằng lòng với những gì mình đã và đang có được và nghĩ quả thực hạnh phúc vô cùng giản dị, là những thứ mình đang có trong tầm tay” - bà vừa chuyện trò vừa xới cơm đưa tận tay ông, ánh mắt ngời lên trìu mến.