(Baonghean) - Toàn Đảng ta đang trong thời gian chuẩn bị để tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
 
Về đại thể, việc chuẩn bị cho đại hội Đảng có 2 phần: chuẩn bị về nội dung qua báo cáo chính trị và chuẩn bị về nhân sự cho việc bầu cử cấp ủy mới. Trong báo cáo chính trị của một cấp đại thể có 2 phần chính: phần kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và phần xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị. 2 phần này có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó, phần nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh xác định nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng; phần xây dựng Đảng là nhân tố quyết định để tổ chức đảng đủ tầm, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị (của phần 1). Nhiệm vụ chính trị sau khi đã được xác định đúng chỉ có thể trở thành hiện thực khi nhiệm vụ xây dựng Đảng giải đáp được những đòi hỏi về phẩm chất, về năng lực của tổ chức đảng (ở cấp đó) đảm bảo thực sự vững mạnh trong sạch, thì mới dành tâm sức lãnh đạo có kết quả nhiệm vụ chính trị đã được xác định. Từ nhận thức đó, cùng với việc dành tâm sức, trí tuệ để xác định nhiệm vụ chính trị, phải dành tâm sức, trí tuệ tương ứng cho việc xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng.
 
Lý thuyết là vậy, còn trong thực tế thì sao? Không ít cấp ủy và tổ chức đảng qua các nhiệm kỳ đại hội thường dành nhiều tâm sức và trí tuệ hơn cho việc xác định nhiệm vụ chính trị; do đó, nội dung này được chuẩn bị khá chu đáo (cả phần kiểm điểm nhiệm kỳ qua, phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ tới). Ngược lại, là nhiệm vụ xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị chưa được quan tâm đúng mức, nên kiểm điểm còn chung chung, không tìm thấy được những gì mà tổ chức Đảng ở đó phải đổi mới, phải chỉnh đốn. Từ đó, phương hướng, nhiệm vụ và nhất là các giải pháp để đổi mới, chỉnh đốn Đảng, để nâng cao chất lượng đảng viên, để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao hiệu quả lãnh đạo… cũng rất chung chung, theo kiểu trên nói sao thì dưới nói y như vậy. Ngay cả khi cấp ủy cấp trên duyệt nội dung đại hội Đảng cấp dưới, thì cấp uỷ cấp dưới cũng quan tâm chưa đúng mức tối thiểu cần thiết về phần xây dựng Đảng. 
 
Theo chúng tôi, cần được khắc phục ngay các thực tế ở bước chuẩn bị đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới: Đó là sự chuẩn bị đại hội có phần “lệch”, rồi tại đại hội, khi thảo luận cũng lệch, sau đại hội chỉ đạo, lãnh đạo cũng theo đó mà lệch. Kết quả là việc phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ chính trị cao hơn, sự phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, đổi mới – chỉnh đốn Đảng... đã qua một số kỳ đại hội nhưng kết quả còn hạn chế; sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng vẫn còn biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống của bộ phận cán bộ, đảng viên. Như thế, chúng ta có thêm một thực tế để chỉ ra thực trạng “lệch” khi chuẩn bị, khi tiến hành đại hội và cả sau khi đại hội đã thành công.
 
Cần phải khẳng định rằng: công cuộc đổi mới toàn diện đất nước chỉ có thể đi tới đích cuối cùng, sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa chỉ có thể đi tới đích cuối cùng khi Đảng ta đổi mới và chỉnh đốn thắng lợi. Hay nói cách khác, công cuộc đổi mới đất nước đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới và chỉnh đốn. Ngược lại, đổi mới và chỉnh đốn Đảng có kết quả mới có thể đưa sự nghiệp đổi mới đất nước thành công, từ cấp độ toàn Đảng với cả nước, cũng như cấp độ các cấp dưới của Đảng với các địa phương đều như vậy.
 
Cho nên, cả ở bước chuẩn bị, ở bước tiến hành đại hội và ở bước lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của đại hội, mà trước tiên là ở bước chuẩn bị nội dung xây dựng Đảng cần được đặt ở đúng vị trí “phải có”, “cần có” của nó, và phải được dành nhiều tâm sức, trí tuệ của các cấp ủy, của các Đảng bộ từ cơ sở cho đến Trung ương.
 
Trương Công Anh