(Baonghean) - Vị cán bộ cơ quan nọ vốn tính thích oai nên thỉnh thoảng được mời đi họp đều ngồi hàng ghế đầu, khi tham gia các đoàn công tác xuống cơ sở đều đi hàng đầu. Thế là trên ti vi anh luôn xuất hiện được nhiều người biết đến. Một hôm, cậu con trai đang học phổ thông trò chuyện với bố:
- Bố ơi, con xem ti vi thấy trong các cuộc họp bố luôn ngồi hàng ghế đầu, trong các đoàn đi làm việc bố luôn đi hàng đầu. Tại sao bố lại thích như vậy?
- Bố là cán bộ lãnh đạo nên có trách nhiệm luôn luôn phải đi đầu con ạ.
- Thế hôm đi theo đoàn phòng chống lụt bão tại sao bố đi sau cùng, khi qua suối nước lũ bố phải nhờ người khác dìu. Hôm đi thăm Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, bố đi sau và không tặng quà như những người khác. Thăm bệnh viện, nhà máy thì bố đi hàng đầu còn ra kiểm tra ngoài đồng thì bố đi sau chứ không lội xuống ruộng như mọi người?
Trước những câu hỏi hóc búa của đứa con trai thông minh, vị lãnh đạo thích “đi đầu” chẳng biết nói gì. Vợ anh là giáo viên dạy chính trị ở một trường đại học, sau khi nghe hai bố con trò chuyện, chị nở một nụ cười và nhẹ nhàng nói với chồng:
- Em thấy con nói có lý đấy anh ạ. Là cán bộ lãnh đạo, anh nghĩ đến vai trò đi đầu là đúng. Nhưng phải đi đầu nêu cao trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để được mọi người nể phục chứ không phải đi đầu theo kiểu “biểu diễn” để được mọi người chú ý.
- Em nói thế hóa ra anh là người thích phô trương.
- Em hoàn toàn không nghĩ như vậy. Nhưng anh ạ, người đứng đầu đơn vị phải phấn đấu để đơn vị mình dẫn đầu trong phong trào thi đua, bản thân mình phấn đấu trở thành tấm gương sáng cho tập thể noi theo, như thế mới là người đi đầu. Em thấy hình như những điều đó anh chưa đạt được. Theo em nghĩ, khi chưa đạt được mục đích thì anh cần giữ tác phong khiêm nhường trước công chúng.
- Thì anh còn phải phấn đấu nhiều mới đạt được mục đích như em nói!
Trần Hồng Cơ