Công trình, phần việc thiết thực
Tận dụng lợi thế địa hình có khe Cớ với nguồn nước mát lạnh và quang cảnh thiên nhiên đẹp, Chi bộ, Ban cán sự bản Quang Phúc, xã Tam Đình (huyện Tương Dương) đã triển khai nhiều mô hình dân vận khéo để xây dựng bản thành địa điểm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng.
Bí thư Chi bộ bản Quang Phúc Lô Văn Tùng cho hay: Ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, Chi bộ còn ra nghị quyết thành lập HTX dịch vụ Khe Cớ; phát triển CLB dân ca, dân vũ với 21 thành viên vừa phục vụ các hoạt động cộng đồng của thôn, bản vừa tham gia phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó các nghị quyết về bảo tồn nghề dệt, mây tre đan truyền thống, các món ẩm thực của người Thái cũng được người dân đồng tình hưởng ứng.
Nhờ khéo vận động, Quang Phúc cũng là bản đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Mới đây, bản Quang Phúc còn tiến hành khoanh vùng, cắm biển để xây dựng mô hình cụ thể là cá Mát trong phạm vi khoảng 1km. “Đây là mô hình vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa phục vụ du lịch nên các nội quy, quy chế đã được bổ sung vào quy ước, hương ước của bản”- Bí thư Chi bộ Lô Văn Tùng cho biết thêm…
Không chỉ có bản Quang Phúc mà hiện nay, nhiều thôn bản khác ở một số xã trên địa bàn huyện cũng đã thực hiện mô hình này. Người dân đồng tình với các quy định không bắt cá tại các khu vực cấm, không dùng hóa chất độc hại, xung điện và các phương pháp có tính hủy diệt và chấp hành các biện pháp xử phạt hành chính nếu vi phạm vì mục tiêu phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Một mô hình khác cũng để lại nhiều dấu ấn và đang được nhân rộng ở cơ sở tại Tương Dương trong thời gian qua là mô hình “Đường hoa đại đoàn kết”. Điển hình như ở xã Tam Thái, nắm bắt nguyện vọng của nhân dân đồng tình, hưởng ứng cao với chủ trương trồng hoa tạo bóng mát, làm đẹp cảnh quan, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo MTTQ xã thành lập Ban vận động quỹ xã hội hóa xây dựng “Đường hoa đại đoàn kết”, xây dựng nhóm zalo “Tam Thái quê hương mình’’ kêu gọi các cơ quan, đợn vị doanh nghiệp trong và ngoài xã, các hộ gia đình trên địa bàn và con em xa quê ủng hộ.
Kết quả, qua hơn 1,5 tháng phát động, Ban vận động đã nhận được 114 triệu đồng tiền ủng hộ để mua vật tư, cây giống trồng 550 cây bằng lăng, phượng, tường vi trên chiều dài 7,5km dọc 2 tuyến Quốc lộ 7a và đường tỉnh 514B đi qua địa bàn. Người dân các bản nhất là các hộ sát hai bên đường còn nhận trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, trên mỗi thân cây đều gắn thẻ của các hộ gia đình và các đoàn thể. Nhờ vậy số lượng cây sống tốt trên 90%. Ông Lô Văn Huy - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thái cho hay: Hiện nay ngoài duy trì chợ phiên Tam Thái, xã đã xây dựng điểm du lịch sinh thái Đoọc Búa, việc trồng hoa 2 bên đường sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với xã nhà .
Thông qua phong trào “dân vận khéo” đã có rất nhiều mô hình thiết thực trên các lĩnh vực đã được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn huyện Tương Dương góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đưa 5 xã về đích nông thôn mới đúng tiến độ.
Đưa công tác dân vận đi vào chiều sâu
Theo ông Lương Bá Vin - Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ huyện Tương Dương: Để công tác dân vận đi vào chiều sâu, huyện xác định không tuyên truyền, vận động chung chung mà gắn với mô hình, phần việc cụ thể sát với từng địa phương, đơn vị. Chẳng hạn như trên lĩnh vực kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo hệ thống chính trị hướng dân vận khéo tập trung vào thay đổi tư duy, cách sản xuất, khuyến khích ý thức tự lực thoát nghèo của đồng bào các dân tộc.
HTX Chanh leo ở bản Huồi Cọ (xã Nhôn Mai) đã vận động nhân dân từ bỏ nếp sản xuất cũ, mạnh dạn trồng 65,52 ha chanh leo và đứng ra liên hệ với các công ty bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hiện nay, mô hình mà HTX đang thực hiện đó là trồng dưa xen chanh leo và nuôi gà đen, trừ đi các khoản chi phí mỗi năm cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng. Mô hình “Trồng cây nghệ đỏ” tại bản Huồi Sơn, Phá Lõm (xã Tam Hợp) vừa phát triển kinh tế, mang lại thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, vừa chống di dịch cư tự do vùng biên giới…
Về cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương như mô hình chăn nuôi, trồng rừng, bán tạp hóa của ông Kha Văn Hưng, bản Yên Sơn (xã Yên Na) cho thu nhập hàng năm 250-300 triệu đồng; mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi trâu, cá ao thương phẩm của ông Lương Văn Dung, bản Xốp Chảng, xã Yên Hòa; mô hình vườn chuẩn NTM trồng Thanh Long kết hợp chăn nuôi của ông Tống Văn Chiên, Bãi Sở ( Tam Quang) cho thu nhập hàng năm 300-320 triệu đồng.
Ở lĩnh vực văn hóa –xã hội thông qua dân vận khéo trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 76,5%; làng bản văn hóa đạt 79%; thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được tăng cường, có 148/146 bản có nhà văn hóa công cộng, 13/17 xã có nhà văn hóa, 5 xã có thiết chế văn hóa thông tin đạt chuẩn…
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương tiếp tục chỉ đạo hệ thống dân vận, Mặt trận, các đoàn thể xã hội tiếp tục duy trì và phát triển bền vững các mô hình đã có; xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, nhất là trên lĩnh vực kinh tế phù hợp với thế mạnh từng vùng, khí hậu và thổ nhưỡng từng địa phương.
Phấn đấu mỗi cơ quan đoàn thể cấp huyện xây dựng được 1-2 mô hình điểm “dân vận khéo”; mỗi xã, thị trấn xây dựng được 3-5 mô hình điểm. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình ở địa bàn khó khăn, đặc thù; tập trung giải quyết các vấn đề người dân bức xúc, quan tâm.