(Baonghean) - Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cán bộ, đảng viên xã Đồng Văn (Thanh Chương) luôn  gần gũi với quần chúng, sát cánh cùng bà con nhân dân trong những việc làm cụ thể, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Đến Đồng Văn hôm nay, chúng tôi nhận thấy bộ mặt làng quê hiện hữu với hệ thống giao thông, nhà ở của người dân được quy hoạch quy củ, khang trang, sạch đẹp; hệ thống điện chiếu sáng đã đến tận từng ngõ xóm liên gia; trường học khang trang; nhà văn hóa các xóm gắn với sân chơi thể thao được xây bao. Trên cánh đồng lúa trải dài xuất hiện những khu trang trại, gia trại chăn nuôi nằm xen giữa ruộng đồng, những thửa rau xanh ngắt. 
image_5521073.jpgTrang trại chăn nuôi bò quy mô 30 con của gia đình bà Nguyễn Thị Niên được khôi phục sau hỏa hoạn.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xã, đồng chí Dương Văn Khai - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã chia sẻ: Đồng Văn là một xã thuần nông, diện tích canh tác toàn xã chỉ vẻn vẹn 229,6 ha đất lúa, 22 ha đất màu và gần 85 ha đất bãi ven sông Lam, điều này đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều trăn trở. Đất đai không nhiều, làm sao nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân? Giải bài toán này phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Với định hướng đó, Đảng ủy, UBND xã tổ chức xây dựng mô hình điểm để người dân thấy rõ hiệu quả, cách làm. Một số hộ có điều kiện được chọn làm mô hình, thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. 
 
Để kiên trì thực hiện chủ trương của cấp ủy về phát triển kinh tế hàng hóa, năm 2012, khi mô hình chăn nuôi lợn, gà hàng hóa của gia đình bà Nguyễn Thị Niên, ở xóm Phượng Đình – mô hình trang trại đầu tiên ở xã xảy ra hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ nhà trại và hàng trăm con lợn gà, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng, Đảng ủy, UBND xã đã lập tờ trình đề nghị huyện hỗ trợ. Bên cạnh đó, vận động nhân dân trong xã quyên góp ủng hộ gia đình bà Niên  được số tiền  được gần 10 triệu đồng, đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục giấy tờ để gia đình bà Niên vay vốn ngân hàng, xây dựng trang trại mới. Đến thời điểm này, bà Niên đã xây dựng lại được trang trại với  quy mô 5.000 con gà; 2.500 vịt đẻ; 30 con bò và 15.000m2 ao cá. Bà Niên  chia sẻ: “Sau khi bị hỏa hoạn, bao nhiêu tài sản, vốn liếng của gia đình bị thiêu rụi, tui không còn thiết tha chi đến làm ăn nữa. Nhưng rồi được xã, xóm đến động viên về tinh thần, họ hàng, bà con giúp đỡ, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần, tôi đã quyết tâm làm lại, giờ  trang trại dần đi vào ổn định.  Khi khó khăn, hoạn nạn mới thấy rõ tình nghĩa của xóm giềng”. 
 
Bằng sự giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể, tạo cơ chế chính sách riêng ngoài chính sách của Nhà nước của cấp ủy, chính quyền, ở Đồng Văn bây giờ đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế với cách làm khá táo bạo, như mô hình trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Lợi nuôi 500 – 700 con lợn thịt; 100 con lợn nái và một số mô hình nuôi lươn, cua, có nguồn thu nhập cao. Đây là những mô hình kinh tế đã tác động tích cực đến suy nghĩ và tư duy làm ăn của người dân, trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế hộ ở địa phương. 
 
Cùng với vật nuôi, thời gian gần đây, cây bí và đậu cô ve được người dân tổ chức trồng theo hướng đầu tư thâm canh hàng hóa thành công trên đất Đồng Văn. Xóm Tiên Kiều được chọn làm điểm chỉ đạo với 25 hộ dân tham gia. Để có thể đưa cây trồng mới  vào một địa phương có thói quen độc canh cây lúa, đòi hỏi cán bộ, trực tiếp là cán bộ ban nông nghiệp, ban khuyến nông xã, hợp tác xã nông nghiệp thường xuyên sát dân, bám đồng ruộng hướng dẫn khoa học kỹ thuật, đôn đốc bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh và làm tốt các khâu dịch vụ giống, phân bón... Đặc biệt, cán bộ, đảng viên tích cực tiên phong đi đầu, đồng thời tuyên truyền, thuyết phục, vận động bà con tự tìm hướng đi mới cho mình nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, ở xóm Tiêu Kiều, mô hình sản xuất đậu cô ve và bí xanh đạt hiệu quả cao, cho thu nhập 80 triệu đồng/ha/vụ đối với bí xanh và khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha/vụ đối với đậu cô ve. Từ hai mô hình này, UBND xã tiếp tục phối hợp với các xóm khác triển khai, tăng cường sản xuất vụ đông trên đất hai lúa. Hiện tại, địa phương tập trung triển khai chỉ đạo mô hình nuôi gà an toàn sinh học.
 
Để khuyến khích phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, xã Đồng Văn chỉ đạo thực hiện chuyển đổi ruộng đất và xây dựng nông thôn mới khá bài bản, trong đó chú trọng công tác dân vận, phát huy dân chủ trực tiếp trong nhân dân, lấy ý kiến nhân dân về mức đóng góp, cách làm, tự chi và quyết toán. Về phía Đảng ủy, chính quyền xã chỉ có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và giám sát việc thực hiện ở cấp xóm về quy trình, thủ tục, nguyên tắc quản lý, sử dụng đúng mục đích... Nhờ đó, Đồng Văn là một trong những đơn vị đầu tiên ở Thanh Chương thực hiện sớm công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, từ 3 – 4 thửa/hộ, này còn 1 – 2 thửa/hộ. Hệ thống giao thông nội đồng đều đảm bảo rộng 4,5 mét và được tu sửa, rải sỏi. Nông dân tự nguyện hiến 37 ha đất làm giao thông nội đồng. Nhiều hộ sau khi nhận đất chuyển đổi đã quy hoạch đầu tư xây dựng trang trại; tiểu thủ công nghiệp … Trong xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 14/19 tiêu chí. Hiện xã tích cực hoàn thành các tiêu chí giao thông, hạ tầng văn hóa cơ sở, môi trường và chợ nông thôn.
 
Có thể nói, từ cách làm dân vận cụ thể đến từng đối tượng, lấy điểm để chỉ đạo, nhân rộng phong trào, đồng thời luôn đặt quyền và lợi ích của nhân dân lên trước hết, các chủ trương, chính sách được triển khai ở Đồng Văn đều thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống 4,1%, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, xã được đánh giá là một trong những đơn vị xuất sắc trong các phong trào ở huyện Thanh Chương. 
 
Bài, ảnh: Mai Hoa