(Baonghean) - Hàng chục hộ dân ở huyện Quế Phong đứng trước nguy cơ mất nhà vì đến hạn, nhưng vẫn không trả được số nợ đã vay để xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Số tiền này được người dân vay của Ngân hàng Chính sách xã hội rồi nộp lại cho Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà nhưng không được hoàn trả, dù họ không được đi XKLĐ như đã cam kết.

Người dân hoang mang

Trong căn nhà tềnh toàng ở bản Ná Ngá (xã Mường Nọc, huyện Quế Phong), chị Lê Thị Thủy (45 tuổi) đang lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì khoản nợ ngân hàng 60 triệu đồng sắp đến hạn phải trả. Nhà có vài sào ruộng, quanh năm làm thuê, làm mướn cũng chỉ đủ sống, người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ cho biết, đó là số tiền quá lớn, gia đình chị không biết xoay xở ở đâu. 

1497497261589.jpgChị Lê Thị Thủy trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Chị Thủy kể, hơn 3 năm trước, Lô Thị Hạnh (trú bản Ná Ngá) đến nhà rủ con trai duy nhất của chị là Sầm Văn Phi đi XKLĐ ở Đài Loan. Hạnh là cán bộ tuyển dụng của Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà (thuộc Tập đoàn Sông Đà), chi nhánh huyện Quế Phong.

Lúc đó, Hạnh hứa với gia đình, nếu sang nước ngoài làm việc, Phi sẽ được hưởng lương mỗi tháng 15 triệu đồng, nếu tăng ca có thể lĩnh hơn 18 triệu đồng. Trong khi đó, khoản chi phí để bay hết 120 triệu đồng. Số chi phí này, gia đình chỉ việc đưa chứng minh nhân dân cho Hạnh, Hạnh và công ty sẽ vay giúp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quế Phong với thời hạn 3 năm và lãi suất chỉ 0,32%. Tin tưởng người phụ nữ hàng xóm cũng là họ hàng gần, chị Thủy răm rắp nghe theo mọi hướng dẫn của Hạnh. 

Tháng 6/2014, Sầm Văn Phi cùng với nhiều lao động khác ở địa phương được Hạnh dẫn xuống TP. Vinh khám sức khỏe, làm hộ chiếu. Cùng thời gian này, gia đình chị Thủy nhận được thông báo đến trụ sở UBND xã Mường Nọc nhận tiền. “Tôi đến ký nhận 60 triệu đồng, chỉ cầm tiền được vài giây rồi đưa lại cho người của Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà đang chờ sẵn phía sau. Vì tin tưởng Hạnh nên cũng chẳng ký giấy biên nhận gì” - chị Thủy nói.

Sau khi đã đóng tiền, Phi được phía công ty thông báo chuẩn bị hành lý, đến tháng 7/2014 sẽ bay sang Đài Loan. Tuy nhiên, đến hẹn nhưng vẫn không nhận được tin tức gì, Sầm Văn Phi gọi điện cho Hạnh thì người phụ nữ này tiếp tục hẹn 2 tháng sau sẽ bay. Từ đó đến nay, gia đình chị Thủy nhiều lần liên hệ với Hạnh để đòi lại tiền, nhưng vị cán bộ tuyển dụng này khất hết lần này đến lần khác. “Mấy ngày gần đây, cán bộ ngân hàng liên tục đến nhắc. Họ nói nếu ngày 19/6 tới mà không trả sẽ thu hồi nhà” - chị Thủy kể. 

Vợ chồng chị Nga ở bản Ná Phày, xã Mường Nọc (Quế Phong) lo lắng khi số tiền 120 triệu đồng đã đến kỳ trả nợ. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng cảnh ngộ với chị Thủy, hai vợ chồng chị Lô Thị Nga (47 tuổi, bản Ná Phày, xã Mường Nọc), mấy ngày gần đây như đang “ngồi trên đống lửa” vì khoản nợ cho con đi xuất khẩu lao động sắp đến hạn phải trả. Chị Nga kể, hơn 3 năm trước, Lô Thị Hạnh đến thuyết phục vợ chồng chị vay tiền để cho 2 người con sang Đài Loan làm việc.

“Hạnh và gia đình tôi là họ hàng gần, con chú con bác. Thấy Hạnh hứa sang đó làm việc lương cao nên vợ chồng tôi đồng ý, đưa chứng minh nhân dân cho Hạnh rồi làm theo hướng dẫn của cô ta”, chị Nga kể. Đầu tháng 6/2014, vợ chồng chị Nga được thông báo đến trụ sở xã để nhận tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân. Gia đình chị quyết định vay 120 triệu đồng để đóng tiền cho 2 con. Khi đến trụ sở xã, chị Nga kể rằng, người của Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà đã có mặt ở đó để chờ thu tiền.

Sau khi đã đóng 120 triệu đồng cho công ty, hai người con của chị Nga háo hức chờ ngày xuất ngoại. Tuy nhiên, giấc mơ thoát nghèo đến nay vẫn chỉ là lời hứa từ Hạnh. Quá nóng ruột vì bị thất hứa lần này đến lần khác, gia đình chị Nga nhiều lần tìm gặp Hạnh đòi lại tiền để trả ngân hàng nhưng không được đáp ứng. Trong khi đó, do cuộc sống quá túng thiếu, 2 người con phải vào miền Nam làm thuê, mưu sinh qua ngày.

“Hơn hai năm đầu, tiền lãi do công ty trả. Nhưng từ tháng 1/2017- 5/2017,  gia đình phải tự trả mỗi tháng gần 400.000 đồng tiền lãi. Nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, gắng mãi cũng chỉ đóng được 5 tháng đầu. Hai tháng nay, gia đình vẫn chưa biết xoay đâu để trả lãi, chứ chưa nói đến khoản tiền gốc sắp hết hạn. Nếu công ty không hoàn lại tiền, chắc ngân hàng họ đến thu nhà mất”, chị Nga nức nở.

Chính quyền lo lắng

Trường hợp của chị Thủy, chị Nga không phải là cá biệt ở xã Mường Nọc. Ông Quang Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Mường Nọc cho biết, từ năm 2014 - 2016 trên địa bàn xã có 24 hộ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quế Phong để đi XKLĐ ở Đài Loan thông qua Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà. Trong đó, có 17 hộ với 27 lao động không đi XKLĐ được và hiện có 17 trường hợp chưa được phía công ty hoàn trả tiền.

Cá biệt, trường hợp gia đình anh Quang Văn Trung (bản Pà Nạt) mặc dù không được đi XKLĐ nhưng nhiều năm qua vẫn phải đóng hơn 5,6 triệu đồng tiền lãi cho ngân hàng. Hầu hết những người này đều vay trong năm 2014 và đến nay đã đến thời gian trả gốc cho ngân hàng.

“Phần lớn các hộ đều là họ hàng của Hạnh, sau khi họ nhận tiền từ ngân hàng rồi giao luôn cho người của công ty. Tổng số tiền mà công ty đã nhận từ người dân Mường Nọc nhưng không đưa được họ sang nước ngoài và đến nay chưa trả cho người dân là 960 triệu đồng, chưa tính tiền lãi” - ông Phương nói. 

Căn nhà của gia đình chị Lê Thị Thủy ở bản Ná Ngá, xã Mường Nọc. Ảnh: Tiến Hùng

Khi đề cập đến vấn đề này, ông Vi Thái Điệp – Chủ tịch UBND xã Quang Phong không giấu được sự lo lắng. Năm 2014, có 12 lao động trên địa bàn xã làm thủ tục vay vốn 538 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với mong muốn được đi XKLĐ ở Đài Loan và Malaysia. Tuy nhiên, chỉ có 9 lao động được đi, còn 3 lao động khác xuất ngoại không thành.

Mặc dù vậy, gần 3 năm nay, phía Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà vẫn không trả lại hết số tiền cho 3 lao động này. “Những hộ dân này đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn nên mong muốn của họ là được đi XKLĐ để sớm đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo đeo bám. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau mà họ không được đi. Đáng lẽ, phía công ty phải trả tiền cho người dân để trả cho ngân hàng thì lại im lặng. Làm như vậy càng khiến cho cuộc sống của người dân khổ cực hơn”, ông Điệp chia sẻ. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ riêng ở các xã Mường Nọc, Quang Phong, trong giai đoạn 2014 - 2016, có hơn 100 lao động trên địa bàn 12 xã ở huyện Quế Phong đã nộp cho Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà gần 6 tỷ đồng nhưng sau đó không sang được nước ngoài làm việc như hợp đồng đã ký. Gần 5,7 tỷ đồng trong số tiền này do người dân vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quế Phong theo Quyết định 71/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020. Phần còn lại, do các lao động vay mượn ở ngoài. Các xã có nhiều lao động đang bị nợ tiền nhiều gồm Mường Nọc, Đồng Văn, Thông Thụ,... Đa phần các lao động đều thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, có gia cảnh khó khăn, nhiều hộ thuộc diện nghèo nhiều năm liền. 

Sự việc vỡ lở khi một số hộ dân ở xã Đồng Văn quá bức xúc đã có đơn phản ánh gửi tới chính quyền. Gần đây, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc XKLĐ tại Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà, chi nhánh huyện Quế Phong giai đoạn từ năm 2011 – 2016.

Kiểm tra cho thấy, Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà được cấp phép tuyển dụng lao động tại huyện Quế Phong từ 10 năm nay. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra của UBND huyện Quế Phong làm việc thì chi nhánh của công ty này đóng tại thị trấn Kim Sơn đã dừng hoạt động, trụ sở không còn người làm việc.

Tiến Hùng – Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN