Đặc biệt, trong nhóm thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in) và tin, phóng sự, ký sự (báo hình) đã xuất hiện nhiều tác phẩm từ các cơ quan báo chí địa phương được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đánh giá tốt.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI – năm 2016 khẳng định: Giải Báo chí Quốc gia luôn là giải danh giá nhất, có sức thu hút, trở thành thương hiệu uy tín của báo giới cả nước. Giải Báo chí Quốc gia cũng là sự tôn vinh, tạo hứng khởi cho sự đam mê nghề nghiệp và những cống hiến không ngừng của những người làm báo.
Giải Báo chí Quốc gia năm nay đã nhận được 1.637 tác phẩm báo chí từ 214 đơn vị và cá nhân tham gia. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Các tác phẩm dự giải năm nay đều bám sát các sự kiện nổi bật của năm 2016, bám sát nhiệm vụ chính trị; phản ánh kịp thời các diễn biến của đời sống xã hội như tình hình biển đảo, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, gương người tốt việc tốt; đấu tranh chống các thế lực thù địch, tham nhũng, tiêu cực...”, ông Hồ Quang Lợi cho biết.
Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Hồ Quang Lợi cũng nhấn mạnh điểm nổi bật ở mùa giải năm nay là các tác phẩm có chất lượng khá đồng đều, không có sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Đặc biệt, trong nhóm thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in) và tin, phóng sự, ký sự (báo hình) đã xuất hiện nhiều tác phẩm từ các cơ quan báo chí địa phương được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đánh giá tốt.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Bá Dung, đại diện Hội đồng chấm giải cho biết: “Ở Hội đồng Sơ khảo, mỗi tác phẩm được chấm bởi 6 giám khảo, còn ở Hội đồng Chung khảo, mỗi tác phẩm được chấm bởi 38 giám khảo. Với cá nhân tôi, tác phẩm gây bất ngờ lớn nhất là “Chuyện như đùa ở Hải Dương”, lần đầu tiên đi đến cùng phân tích về những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ, sau đó đã khởi xướng một loạt bài của các báo về bất cập trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ... Hoặc lĩnh vực truyền hình năm nay không có phóng sự đạt giải A, cao nhất chỉ 3 tác phẩm đạt giải B, và các tác phẩm đạt giải B đều của đài địa phương, cách thể hiện rất hiện đại, gần như theo kịp đài truyền hình trung ương”.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, Giải Báo chí Quốc gia năm nay vẫn còn nhiều tác phẩm chưa có đột phá trong phát hiện đề tài, chưa tìm giải pháp giải quyết thấu đáo vấn đề thực tiễn đặt ra. Nhiều bài báo in, báo điện tử có dung lượng quá dài. Nhiều tác phẩm phát thanh vẫn chưa có sự sáng tạo, đổi mới đáng kể.
Với sự công tâm, nghiêm túc, Hội đồng Chung khảo đã quyết định trao giải cho 95 tác phẩm, trong đó có 7 giải A, 24 giải B, 39 giải C và 25 giải Khuyến khích (hơn 50% là tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương).
Giá trị giải thưởng của Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI – năm 2016 đã tăng hơn trước. Cụ thể, giải A tăng từ mức 50 triệu đồng lên 60 triệu đồng; giải B tăng từ 35 lên 40 triệu đồng; giải C tăng từ 25 – 30 triệu đồng; giải Khuyến khích từ 7 lên 10 triệu đồng.
Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI – năm 2016 sẽ được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tối 21/6/2017 tại Hà Nội.
Theo Infonet