(Baonghean.vn) - Lợn bản được xem như là một sản phẩm thịt “sạch” của người dân xã Mường Ải (Kỳ Sơn). Một số thôn bản nơi đây còn quy định cấm bán lợn không có nguồn gốc rõ ràng cho khách.

images1898831_326a4526.jpgLợn "sạch" miền Tây chủ yếu được nuôi thả rông ở vùng đồi núi cao. Ảnh: Hồ Phương

Mường Ải là xã vùng biên giới khó khăn của huyện miền núi Kỳ Sơn. Xã chủ yếu là nơi cư ngụ của đồng bào Khơ Mú, Thái. Ngoài những phong tục tập quán về văn hóa, văn nghệ, tập tục... thì người dân nơi đây vẫn tự lập lên một hương ước về mua bán lợn “sạch”.

Theo quan niệm của bà con ở xã Mường Ải thì nguồn gốc chính là xác định được mẹ đẻ của con lợn được bán ra. Cách chứng minh nguồn gốc của những con lợn bán ra của các dân bản ở Mường Ải cũng rất hồn nhiên. 

Bằng sự chất phác của mình, họ đã thuyết phục được khách mua. Cũng theo những người sành ăn thì thịt lợn bản ở Mường Ải được ưa thích nhất ở huyện miền núi Kỳ Sơn. Không chỉ vì chúng được nuôi theo truyền thống thả rông, thức ăn tự nhiên mà còn vì cách chứng minh nguồn gốc độc đáo của chủ lợn.

Chuồng trại được dựng trên đồi, núi. Ảnh: Hữu Vi

Trưởng bản Pủng (Mường Ải), ông Lương Phò Kèo cho biết, từ lâu dân phản ánh đã có thói quen giữ lại lợn nái qua nhiều năm. Cho đến khi chúng quá già, không còn khả năng sinh sản mới bị mổ thịt. Nhiều lợn nái trong bản có trọng lượng đến 2 tạ, tuổi đời ngót nghét 20 năm.

Chính vì thế mà hầu như những con lợn bản được bán ra đều được chứng mình nguồn gốc bằng con lợn mẹ của chúng mà dân bản ai cũng có thể biết. 

Ông Kèo trưởng bản Pủng cho biết, nếu xác định được ai bán đi những con lợn không rõ nguồn gốc mà không nói rõ với khách mua sẽ bị thôn bản nhắc nhở. Sau 2 lần nhắc nhở thì bị xử phạt 100.000đ để sung vào quỹ hoạt động của bản. 

Tuy nhiên theo trưởng bản Pủng thì “quy ước” đã được đưa ra đã hơn một năm nay nhưng chưa có trường hợp nào vi phạm. Khi người đứng đầu thôn bản vận động trong một cuộc họp bà con không nên bán lợn không rõ nguồn gốc, một số người đã mua lợn con từ miền xuôi về nuôi nhưng không dám bán ra nữa. “Căn bản là họ xấu hổ với làng bản”, ông Kèo tâm sự.

Trưởng bản Pủng, ông Phò Kèo cho biết thêm: Trong xã hầu hết các bản đều nuôi lợn thả rông. Dân bản hầu như chỉ nuôi giống lợn bản địa. Gần đây một số lái lợn chủ yếu là huyện Yên Thành có đem giống lợn từ miền xuôi lên bán cho người dân. Ban đầu, một số có mua nuôi thử. Về sau nhận ra giống lợn từ miền xuôi không phù hợp cho việc nuôi thả rông, dần dà chẳng còn mấy ai mua nữa. Nguyên nhân chủ yếu theo các diễn giải của ông trưởng bản Pủng là vì : “Chúng nó hay đi chơi xa quá.”

Thức ăn chủ yếu của lợn là rau rừng. Ảnh: Hữu Vi

Dẫu vậy thì một số người hám lợi đã mua lợn con từ miền xuôi đem về nuôi thả rông sau đó đem bán và nói với khách mua là “lợn bản”. Ông Kèo cho biết làm vậy là “không thật thà” vì lâu nay người bản không bao giờ bán đi những thứ gian dối.

Lợn bản phải rõ nguồn gốc, nghĩa là phải xác định được mẹ của chúng. Những con lợn được mua từ miền xuôi về nuôi dù thịt săn chắc hơn so với nuôi nhốt, cho ăn cám cò nhưng không phải là lợn bản.

Một số thầy cô giáo ở xã Mường Ải huyện Kỳ Sơn truyền tụng câu chuyện về việc giữ “chữ tín” trong mua bán lợn bản của cộng đồng người Khơ Mú và Thái nơi đây. Khi được hỏi mua, người bán lợn sẽ chỉ cho khách mua lợn nái trong nhà và bảo: “Nguồn gốc của nó đây. Mẹ nó đấy.”

Dù không đưa ra “quy ước” như bản Pủng nhưng một số thôn bản được hỏi ở xã Mường Ải cũng không bán ra những con lợn không rõ nguồn gốc. Ông Moong Phò Vinh, trưởng bản Xốp Xăng cho biết dân bản chỉ bán ra những con lợn bản có nguồn gốc miền xuôi với mức giá thấp hơn.

Tuy nhiên chỉ có một số ít nhà nuôi loại lợn này. Bà con trong cộng đồng người Khơ Mú nơi đây vẫn giữ thói quen nuôi lợn có nguồn gốc ngay tại bản hơn là giống lợn nhập từ miền xuôi. Chính vì việc giữ chữ tín với khách mua nên “lợn bản” ở Mường Ải luôn được người mua yên tâm về chất lượng.

Những con lợn bản thường được nuôi thả rông. Ảnh: Hồ Phương

Tuy nhiên, theo ông Lữ Văn Lâm, bản Xốp Lau xã Mường Ải thì việc chăn nuôi thả rông tuy giữ được đặc sản lợn bản nhưng cũng gây ra những bất cập.

Ngoài việc nuôi lợn ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường thì chính hình thức chăn nuôi này khiến dịch bệnh lây lan nhanh mỗi khi xuất hiện. Đầu năm 2017 nay, nhiều địa bàn ở huyện Kỳ Sơn xảy ra dịch tụ huyết trùng khiến hàng nghìn gia súc trên toàn huyện chết.

Ông Nguyễn Sỹ Sơn - Phó phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết, tổng số đàn lợn trên địa bàn hiện có 34.710 con. Phần lớn, trong số này đều là lợn bản. Lợn bản chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình theo tập quán của người vùng cao. Hầu hết các xã ở huyện Kỳ Sơn đều có những hộ nuôi lợn bản theo hình thức thả rông./.

Hữu Vi - Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN