(Baonghean) - Hai người phụ nữ hoàn toàn xa lạ, có chung một người đàn ông đã mất gần 20 năm, có thể xem họ là hai mảnh ghép của một số phận, cùng song hành đến những năm tháng cuối đời.

Giữa làng Khe Bố, xã Tam Quang (Tương Dương) có một ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ và già nua như chính chủ nhân của nó – bà Hồ Thị Xuân (93 tuổi) và Lê Thị Thanh (76 tuổi). Hai người là vợ của ông Lê Văn Qúy (mất năm 2000), giờ hai tấm thân già nua ấy đang héo hắt cùng năm tháng, phần cuối cuộc đời gánh chịu bao nỗi cay đắng, éo le. Bà Xuân đã già yếu lắm, không thể tự mình ngồi dậy để ăn uống và vệ sinh cá nhân.

Việc ăn uống cũng thất thường, bữa ăn, bữa bỏ. Mùa hè đến rồi nhưng vẫn khoác chiếc áo len, vấn khăn lên đầu và đắp vỏ chăn nhung. Còn bà Thanh cũng không còn khỏe nhưng khá minh mẫn, còn nhớ nhiều chi tiết và diễn biến cuộc đời suốt gần 50 năm qua. Hai tấm thân già nương tựa lẫn nhau, chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày chủ yếu nhìn vào khoản tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi của bà Xuân.

images1899979_so_phan_1.jpgNgôi nhà nhỏ của bà Hồ Thị Xuân và Lê Thị Thanh ở làng Khe Bố, xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Hồ Phương

Bà Thanh chia sẻ: “Chuyện của chúng tôi rất dài và lắm nỗi éo le, có cả nụ cười và nước mắt, nhưng nụ cười ít, nước mắt nhiều. Người ta thường nói cảnh chung chồng với bao điều ngang trái và bất hòa, với chúng tôi gần như không có...”. Theo trí nhớ bà Thanh, bà Xuân quê ở Quỳnh Lưu, còn ông Qúy quê Thanh Chương, hai người gặp gỡ và đến với nhau ở vùng xuôi, cả hai đều nghèo khổ.

Năm 1952, sau khi làm lễ cưới, hai vợ chồng dắt díu nhau lên vùng Khe Bố tìm kế sinh nhai. Lên vùng đất mỏ này, đôi vợ chồng trẻ dựng túp lều ven sông để làm chỗ che mưa, tránh nắng, hàng ngày chồng xuống sông chài cá để bán, vợ làm nghề sàng gạo và gánh nước thuê. Cuộc mưu sinh rất đỗi vất vả và gian nan, cái ăn bữa no, bữa đói nhưng vợ chồng luôn hòa thuận và yêu thương nhau hết lòng.

Nhưng chờ mãi, chờ mãi người vợ không thấy dấu hiệu mang thai. Rồi 17 năm lướt qua thật nhanh, người phụ nữ ấy chấp nhận sự thật mình không thể “đơm hoa, kết trái”, và không đành để chồng không có người nối dõi. Gạt đi sự ích kỷ của người phụ nữ, bà Xuân quyết định tìm người khác thế vị trí của mình với niềm hy vọng người vợ thứ hai sẽ sinh cho ông Qúy những đứa con, để ông không mắc lỗi với tổ tiên, dòng họ, không còn chịu tiếng thị phị của người đời.

Bà Hồ Thị Xuân đã già yếu, trời mùa hè vẫn phải mặc áo leo và choàng khăn. Ảnh: Công Kiên

Còn bà sẵn sàng chấp nhận lùi lại phía sau, chấp nhận cảnh chồng vỗ về, ân ái với người vợ mới. Sau bao đêm tỉ tê bàn bạc điều hơn, lẽ thiệt, cuối cùng bà Hồ Thị Xuân đã thuyết phục được chồng đồng ý lấy thêm vợ lẽ. Người phụ nữ bà Xuân chọn làm vợ cho chồng mình là Lê Thị Thanh – cô gái cùng làng, gia cảnh nghèo và cũng gặp phải bao nỗi éo le. Năm 1969, Bà Thanh nhận làm vợ lẽ ông Qúy, cả 3 người sống chung trong căn nhà nhỏ ven sông.

Đó là những năm tháng chiến tranh, cái đói, cái nghèo cứ vây bủa và đeo bám nhưng ai cũng dặn lòng phải cố gắng vượt qua. Qủa thật, bà Xuân đã không chọn nhầm người cho chồng, bởi sau một thời gian bà Thanh lần lượt sinh hạ 6 người con cả trai, cả gái. Mỗi khi một đứa con chào đời, ông Qúy mừng như bắt được vàng, làm lụng vất vả nhưng vẫn tươi cười và tỏ ra mãn nguyện.

Những lúc như thế, bà Xuân không tránh khỏi nỗi chạnh lòng về thân phận, nhưng rồi người phụ nữ giàu lòng vị tha ấy đã kịp nén chặt tất cả để nở nụ cười và rỏ những giọt nước mắt hạnh phúc. Mỗi khi bà Thanh ở cữ, bà Xuân lo chăm sóc, cơm nước, vào rừng tìm các loại cây thuốc bổ dưỡng, tăng nguồn sữa để các con được khỏe mạnh, cứng cáp.

Bà Lê Thị Thanh còn khá minh mẫn, kể lại câu chuyện cuộc đời. Ảnh: Hồ Phương

Những đứa con lớn thêm một tý, bà Xuân và người mẹ đẻ lại cùng nhau bón từng thìa cháo, bát cơm, có lúc ăn củ sắn, củ mài để nhường miếng ngon cho con trẻ. Sáu đứa con bà Thanh sinh ra, bà Xuân ngỡ rằng đó là niềm hạnh phúc của đời mình, niềm mong mỏi và sự hy sinh được đền đáp.

Cứ ngỡ những suy tính của mình là hợp lẽ, từ nay sẽ tiếp tục làm lụng, cùng chồng và em (bà Thanh nhận làm em) nuôi con khôn lớn. Nhưng cuộc đời lắm nỗi trớ trêu, trong cảnh đói khổ, bần hàn, những đứa trẻ thường xuyên đau ốm, bệnh tật, gia cảnh thêm đói kém muôn phần. Rồi 3 người con nhỏ lần lượt từ bỏ cuộc đời, bỏ lại nỗi đau cho bố mẹ.

Dù không rứt ruột đẻ ra nhưng bà Xuân cũng vô cùng đau đớn, đau vì trời đã giáng bất hạnh xuống người chồng của mình, đau vì niềm mong ước không trọn vẹn. May chăng, còn lại 3 người con ngày một lớn khôn, là nguồn động viên và hạnh phúc của cả gia đình. Bà Xuân cùng với bố mẹ đẻ ra sức nuôi nấng, chăm sóc, hy vọng sau này lớn lên không thành đạt thì cũng trở thành những người tốt.

Bà Xuân và bà Thanh - hai người vợ của ông Lê Văn Qúy nương tựa vào nhau trong những năm tháng cuối đời. Ảnh: Công Kiên

Nhưng rồi, chúng lớn lên đúng vào lúc “cơn bão” ma túy bắt đầu ập xuống vùng đất Tương Dương, làng Khe Bố cũng nằm trong “mắt bão”. Những đứa con của ông Qúy không tránh khỏi được cám dỗ và bị “con ma trắng” đeo bám. Một đứa sớm mắc bệnh rồi từ dã cuộc đời, người cha ấy buồn vô hạn nên đã từ giã cuộc đời, bỏ lại hai người vợ già yếu và hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Còn hai người mẹ cũng đau xót tận tim gan, cố chôn chặt xuống đáy lòng. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, lại quặn lòng khi hai đứa con tiếp tục vào con đường nghiện ngập, đến mức phải lìa bỏ cuộc đời. Vậy là, sau mấy chục năm, hai người phụ nữ ấy lại “trắng tay”. Giờ đây, họ đã bước vào tuổi “gần đất, xa trời”, không còn ai để làm điểm tựa, sống lặng lẽ như hai chiếc bóng dưới mái nhà lụp xụp, cùng nương tựa vào nhau giữa ồn ã của dòng đời...

Công Kiên - Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN