Lãnh đạo Hàn-Triều cùng leo núi thiêng

1_moon_kim_tham_paektu_11_xtiz7675123_2092018.jpegTổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên giơ cao cái nắm tay trên đỉnh núi thiêng liêng Bạch Đầu, vị trí cao nhất trên Bán đảo Triều Tiên và được xem là nơi khai sinh của dân tộc Triều Tiên. Ảnh: AP

Sáng 20/9, Tổng thống Moon Jae-in đã khép lại chuyến thăm 3 ngày tới Triều Tiên để tham dự cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 3 với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bằng chuyến leo núi Bạch Đầu, vốn mang ý nghĩa biểu tượng cao, khẳng định cam kết của hai nhà lãnh đạo về sự hòa giải và cuối cùng là thống nhất. 

Việc ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un cùng thực hiện chuyến leo núi Bạch Đầu mang nhiều ý nghĩa, nhất là sau Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều thành công với những kết quả đáng kể. Trong đó, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết thực hiện các bước đi cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa như dỡ bỏ bãi thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay lời hứa sẽ sớm tới thăm Seoul theo lời mời của Tổng thống Moon Jae-in. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thực hiện các biện pháp chắc chắn để giảm căng thẳng quân sự, cũng như tăng cường trao đổi và hợp tác kinh tế giữa 2 bên. Đặc biệt là việc nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên biên giới hay ứng cử để cùng đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2032.

Israel tung ảnh chụp vệ tinh Phủ Tổng thống Syria để đe dọa?

Hình ảnh Phủ Tổng thống Syria tại Damascus do vệ tinh do thám Ofek 11 chụp. Ảnh: BQP Israel

Đánh dấu mốc 30 năm kể từ ngày phóng vệ tinh lên quỹ đạo, ngày 17/9, Israel đã công bố ba bức ảnh do vệ tinh Ofek 11 chụp các vị trí tại Syria - một động thái được xem như "lời đe dọa ngầm" gửi đến chính quyền nước này.

Các bức ảnh trên bao gồm Phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, xe tăng tại một căn cứ quân sự và Sân bay Quốc tế Damascus. Theo báo Times of Israel, hành động công bố những bức ảnh trên có thể xem như động thái nhằm phô trương sức mạnh và là một lời đe dọa ngầm với Syria, nơi Israel thường xuyên không kích vào các mục tiêu Iran tại đây.

Mỹ có thể không xây căn cứ "Pháo đài Trump" ở Ba Lan

Xe tăng Abrams của Mỹ trong một cuộc diễn tập tại Ba Lan. Ảnh: AFP.

"Khu vực này không có diện tích đủ rộng và không gian phù hợp để binh sĩ có thể huấn luyện đầy đủ. Điển hình như việc triển khai pháo binh sẽ cần rất nhiều không gian", AFP dẫn tuyên bố của Bộ trưởng lục quân Mỹ Mark Esper, đề cập tới đề xuất của Ba Lan về việc xây căn cứ đồn trú lâu dài cho lính Mỹ tại nước này.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 18/9, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẵn sàng chi ít nhất 2 tỷ USD để xây dựng một căn cứ mang tên "Pháo đài Trump" nhằm đối phó với việc Nga ngày càng tăng cường hiện diện quân sự tại đông Âu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Esper cho rằng hạn chế về địa hình và không gian tại khu vực dự kiến xây căn cứ sẽ khiến các lực lượng Mỹ không thể duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng tác chiến theo đúng yêu cầu đặt ra.

Thủ tướng Nhật Bản Abe tái đắc cử

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do hôm nay tại trụ sở đảng ở Tokyo. Ảnh:Reuters.

Trong cuộc đua "song mã" vào vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ngày 20/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành được 553 phiếu, đánh bại cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba, người chỉ có 254 phiếu, AFP đưa tin. Chiến thắng này giúp ông Abe tiếp tục giữ chức thủ tướng tới năm 2021, mở đường cho chính trị gia 63 tuổi phá kỷ lục thời gian tại vị lâu nhất của Taro Katsura, người có 3 nhiệm kỳ thủ tướng từ năm 1901 đến 1913.

Trong khi các cử tri Nhật Bản coi nền kinh tế và an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu, Thủ tướng Abe lại hướng tới mục tiêu cải cách hiến pháp hòa bình được đưa ra sau Thế chiến II, trong đó quy định Nhật Bản phải "vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh" và không duy trì lực lượng vũ trang.

EU cứng rắn với Anh về Brexit

Thỏa thuận Brexit vẫn còn “xa vời”. Ảnh: Anadolu

Hội nghị Thượng đỉnh EU không chính thức bắt đầu tối 19/9 tại Salzburg, Áo thảo luận về vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và vấn đề di cư. Diễn ra vào thời điểm quyết định,  hội nghị 2 ngày này (19-20/09) là dịp để Thủ tướng Anh Theresa May đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề Brexit, thay vì phải đàm phán thông qua trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier.

Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, một bầu không khí lạc quan được các quan chức Anh đặt ra về một thỏa thuận Brexit giữa hai bên. Tuy nhiên, trái với viễn cảnh đó, các nhà lãnh đạo EU dường như “dội gáo nước lạnh” với tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker rằng thỏa thuận Brexit vẫn còn “xa vời”. Miêu tả về cuộc gặp, Hãng tin Reuters của Anh viết: những nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã lịch sự lắng nghe lời kêu gọi của Thủ tướng Anh Theresa May. Tuy nhiên,  sau đó cuộc họp đi vào bế tắc với tranh cãi về vấn đề biên giới Bắc Ireland. Phát biểu sau ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo Litva và Slovakia đều cho biết, không có bước tiến về Brexit và vấn đề đường biên giới Ireland.

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak chính thức bị buộc tội lạm quyền và rửa tiền

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) tới phiên tòa ở Kuala Lumpur ngày 8/8/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20/9, cơ quan công tố Malaysia đã chính thức buộc tội cựu Thủ tướng nước này, ông Najib Razak, với tội danh lạm quyền và rửa tiền trong vụ bê bối thất thoát hàng triệu USD của Quỹ đầu tư nhà nước 1Malaysia (1MDB). Theo đó, ông Najib Razak bị buộc 4 tội danh lạm dụng quyền lực liên quan khoản tiền 2,3 tỷ ringgit (556,3 triệu USD) của 1MDB và 21 tội danh liên quan đến rửa tiền. Ông Najib Razak đã bác bỏ toàn bộ 25 tội danh chống lại ông.

Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC) ngày 19/9 đã bắt giữ trở lại ông Najib Razak với những cáo buộc lạm dụng chức quyền và tham ô số tiền được cho là thất thoát từ Quỹ 1MDB.

Gia tăng căng thẳng với Mỹ, đồng lira nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ mất tới 40% giá trị

Tại một khu chợ ở quận trung tâm Sultanahmet ở Istanbul ngày 11/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định hạ mức dự báo tăng trưởng trong năm 2018 và năm tới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến đồng lira nội địa của nước này mất tới 40% giá trị chỉ từ đầu năm đến nay.

Trong "Chương trình kinh tế trung hạn mới" được công bố cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak nêu rõ tăng trưởng của nước này, vốn lên tới mức ấn tượng 7,4% hồi năm ngoái, sẽ chỉ đạt 3,8%, và 2,3% lần lượt vào năm 2018 và 2019, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 5,5% trước đó.  Thống kê của chương trình  này cho thấy lạm phát sẽ tăng lên 20,8% vào cuối năm nay, và giảm nhẹ xuống mức 15,9 vào năm tới. Theo ông Albayrak, "Chương trình kinh tế mới" sẽ tập trung vào 3 nguyên tắc chính, gồm: cân đối, kỷ luật và thay đổi.