(Baonghean) - Yên Thành hiện ra trước mắt chúng tôi với những làng quê yên bình, những cánh đồng lúa mướt mát màu xanh. Xa xa, những dãy núi non hùng vĩ trùng điệp bao quanh hơn 517 di tích, danh thắng từ ngàn đời xưa vẫn hiển hiện trầm tích của vùng đất địa linh nhân kiệt...
Yên Thành vốn được biết đến là vùng đất cổ. Từ thời Tiền Lê, thời Lý, nhiều cuộc di dân, khai hoang đã lập nên những hương ấp, xóm làng trù phú. Đến thời Trần đã hình thành nên những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu. Do đó, Yên Thành được coi là cái nôi của nền văn minh lúa nước, nơi được chọn làm lỵ sở và nổi tiếng là vựa lúa của vùng Châu Hoan.
Dẫn tôi đi dọc tuyến Quốc lộ 7, chị Phan Thị An - Trưởng phòng Văn hóa huyện cho biết: Yên Thành nổi tiếng là vùng đất văn hóa, hiếu học, tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, huyện Yên Thành có 22 vị đậu đại khoa từ Trạng nguyên bảng nhãn như Trạng Nguyên Bạch Liêu, 3 thế hệ cha con, cháu đều là Trạng nguyên: Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn và Hồ Tông Thành đã tạo nên một hiện tượng độc đáo của xứ Nghệ. Bên cạnh đó, Yên Thành là một địa danh cách mạng, là căn cứ địa cách mạng của phong trào Cần vương chống Pháp do cụ Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhã lãnh đạo, trong phong trào này ta còn được biết đến lãnh ngợi Nguyễn Văn Ngợi mà dân gian còn hay gọi là cụ Tác Bảy là tướng giỏi của Nguyễn Xuân Ôn có tài “bay qua nóc nhà”.
Trong 517 di tích danh thắng, thì có tới 200 di tích, danh thắng đã được lập danh mục quản lý, với 21 di tích được công nhận là di tích quốc gia. Trong chuỗi những di tích đó tôi được cán bộ văn hóa dẫn đến thăm đền Đức Hoàng. Dịp này vừa đúng mùa sen nở, hồ sen hai bên ôm lấy con đường dẫn vào đền tựa một bức tranh thủy mặc. Và trong bức tranh ấy thấp thoáng một ngôi đền cổ giữa cảnh non xanh nước biếc, hòa quyện cùng thiên nhiên tạo cho ta cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Theo sử sách xưa ghi lại đền Đức Hoàng là công trình văn hóa, tâm linh, được nhân dân xây dựng để thờ ngài Hoàng Tá Thốn, một vị tướng có công trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, mang lại thái bình cho đất nước, cho dân tộc. Chúng tôi được nghe trụ trì ngôi đền kể, đền Đức Hoàng được xây dựng trên một gò đất cao giữa một rừng lim rậm rạp ven hồ Diệu Ốc, cạnh chùa Thung Viên Thanh Tịch. Đền nổi tiếng không chỉ bởi phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn bởi sự linh thiêng. Dù không phải ngày tuần, ngày lễ nhưng bà con và du khách vẫn nườm nượp đến vãn cảnh chùa. Đã có những du khách tận Thanh Hóa, Quảng Ninh chỉ đến Nghệ An để vào lễ đền, vì với họ đến nơi đây họ được hóa giải những lo toan, vận hạn...
Chúng tôi ghé thăm chùa Gám đang được khẩn trương xây dựng và hoàn thiện những hạng mục chính. Đền - chùa Gám là một công trình tín ngưỡng - tôn giáo, là nơi thờ tự và tưởng niệm những vị thần có công với nước, với dân. Đó là các vị thiên thần, nhân thần được nhân dân tôn lên như Trần Hưng Đạo Đại vương, Cao Sơn, Cao Các; Hoàng Tá Thốn; Tứ vị Thánh nương; Tam tòa Đại vương... Đức Phật Thích Ca và chư vị Bồ tát. Đây là cụm di tích đặc biệt, duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An vừa có đền, vừa có chùa. Điều đó đã thể hiện được sự hài hòa của Tam giáo đồng nguyên. Khi tôi hỏi vì sao nơi đây lại được chọn là điểm nhấn của hành trình du lịch ở Yên Thành, chị An cho biết: “Trước đây đền - chùa thường tổ chức lễ hội vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch. Nhân dân trong các làng đua nhau đi hội. Sân đền, chùa vào các ngày lễ lớn, thường tổ chức biểu diễn văn nghệ như múa rối khô, hát tuồng...
Nhưng sau Cách mạng Tháng Tám, do nhiều nguyên nhân nên nghi lễ dần bị mai một, chỉ còn tồn tại trong ký ức của các cụ già trong làng. Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có Quyết định đồng ý cho UBND xã Xuân Thành và nhà chùa khôi phục, tổ chức lễ hội theo đúng nghi lễ truyền thống từ ngày 14 tháng Hai đến ngày 16 tháng Hai âm lịch. Lễ hội Đền - Chùa Gám được long trọng tổ chức với 2 phần, phần lễ và phần hội vô cùng nghiêm trang và sôi động. Phần lễ bao gồm lễ khai quang tại đền chùa Gám, lễ yết cáo ở đền trên đỉnh Rú Gám. Đặc biệt còn có lễ rước kiệu trang nghiêm từ đền chùa Gám lên đền Rú Gám và trở về với sự tham gia của hàng vạn du khách thập phương và nhân dân trong huyện. Vì thế đền, chùa Gám là nơi tụ hội đông nhất con cháu xa gần du khách trong Nam ngoài Bắc” .
Ngược về các di tích đền thờ theo Quốc lộ 7, chúng tôi đến với các di tích cách mạng như Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành, Di tích Tràng Kè (Mỹ Thành) - nơi ghi lại chiến công của 72 chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh đã bị giặc Pháp xử bắn… nơi đâu cũng là những địa chỉ đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa…
Trong chuyến hành trình ngắn ngủi này tôi có dịp được chiêm nghiệm sự phong phú của các quần thể sinh học đa dạng như rừng xanh Gám, rừng lim nguyên sinh Lăng Thành, Hậu Thành tạo cho Yên Thành vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ bất kỳ du khách nào ghé thăm… Ngoài ra theo “hướng dẫn viên” cán bộ văn hóa thì Yên Thành còn có 220 sông ngòi, hồ, đập lớn, vừa và nhỏ uốn mình bên những vách núi và các khu rừng phòng hộ sẽ là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như đập Vệ Vừng, hồ Quán Hài, đập Lọ Nồi quanh năm nước trong xanh hiền hòa. Trong chuyến hành trình này tôi còn được biết đến những nét văn hóa độc đáo duy chỉ có ở Yên Thành, đó là sự ngẫu hứng của một người dân khi “tức khẩu thành điệu tuồng”. Tuồng Kẻ Gám là nét văn hóa đặc trưng còn lưu giữ từ ngàn đời xưa và đến hôm nay trong bề bộn của cuộc sống hiện đại thì nơi đây các CLB tuồng vẫn tồn tại và phát triển như là một nhu cầu sinh hoạt tinh thần không thể thiếu. Cũng qua đây tôi còn có dịp được biết thêm Yên Thành có các CLB chèo ở Lăng Thành, các CLB Dân ca ví, giặm.
Trong vòng bán kính 20 – 70 km, du khách có thể đi về phía biển đến với bãi biển Diễn Thành, vào thăm quan đền Cuông, tắm biển và nghỉ dưỡng ở khu Resort Bãi Lữ, bãi biển Của Lò, đi sang Nam Đàn để được về quê Bác hay ngược lên miền Tây để đến với khu nước nóng Giang Sơn, Vườn Quốc gia Pù Mát… Đó là lời mời chào hấp dẫn du khách hãy một lần đến Yên Thành khám phá và thưởng lãm.
Thanh Nga