(Baonghean) - Mặc dù mới thành lập nhưng Thị xã Hoàng Mai hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển nhanh và bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của tỉnh. Nhìn vào tiềm năng, kết quả đạt được và những định hướng phát triển, chúng ta có quyền kỳ vọng vào mảnh đất địa đầu xứ Nghệ này...
Được thành lập vào năm 2013, Hoàng Mai có bước khởi đầu tương đối khó khăn do thiên tai, hạ tầng kỹ thuật ở giai đoạn đầu còn thiếu thốn và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, đòi hỏi tái cấu trúc đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng vào chất lượng hiệu quả và đảm bảo tính bền vững đặt ra cho Hoàng Mai nhiều thách thức trong định hướng phát triển. Với vị trí địa lý thuận lợi, cùng định hướng trong không gian phát triển chung là trở thành 1 trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An, đô thị động lực của vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ, Hoàng Mai đã có những bước sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư phát triển. Ông Hoàng Ngọc Thủy, phụ trách Phòng Kinh tế UBND Thị xã Hoàng Mai cho biết: “Trên địa bàn thị xã đã có 3 khu công nghiệp gồm: KCN Hoàng Mai I, KCN Hoàng Mai II và KCN Đông Hồi đã được sáp nhập vào Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh. Doanh nghiệp nhận được nhiều ưu đãi nếu đầu tư vào các KCN này. Đây là thuận lợi rất lớn trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư của thị xã”.
Vì vậy, sau một thời gian yên ắng, quá trình thu hút đầu tư vào các khu KCN trên địa bàn đã có dấu hiệu ấm lên với nhiều dự án có tổng số vốn đầu tư lớn. Tiêu biểu trong số đó là dự án đầu tư của Tập đoàn Hoa Sen tại Khu công nghiệp Đông Hồi trên diện tích 35 ha. Nhà máy được đầu tư dây chuyền cán nguội với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, 2 dây chuyền sản xuất tôn mạ với tổng công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, 1 dây chuyền sản xuất tôn mạ màu với công suất thiết kế 120.000 tấn/năm…
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đánh giá cao tiềm năng và môi trường đầu tư tại Hoàng Mai. Vì vậy, chỉ trong vòng hơn 20 ngày từ khi có quyết định đầu tư, Tập đoàn Hoa Sen đã khởi công dự án tại KCN Đông Hồi. Đây được xem là một kỷ lục trong thu hút đầu tư. Cũng tại KCN Đông Hồi, sắp tới Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cũng sẽ được Chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức động thổ và dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2020. Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 với 2 tổ máy, công suất 1.200MW có tổng mức đầu tư lên đến 1,8 tỷ USD. Trên đây chỉ là 2 trong nhiều dự án đang chuẩn bị đầu tư vào các KCN trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai, tạo nên bức tranh công nghiệp với nhiều gam màu sáng, đầy kỳ vọng.
Du lịch cũng là lĩnh vực rất được kỳ vọng trong bức tranh kinh tế tổng thể của Hoàng Mai. Thị xã biển này có đầy đủ lợi thế về tự nhiên, văn hóa, lịch sử để phát triển các loại hình du lịch đa dạng như: du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái. Điểm du lịch nổi tiếng nhất ở mảnh đất địa đầu xứ Nghệ chính là đền Cờn tại phường Quỳnh Phương gắn với Lễ hội Đền Cờn hàng năm. Du lịch biển cũng có bước phát triển khởi sắc với các bãi biển ở Quỳnh Phương, Quỳnh Liên hoạt động nhộn nhịp, nhất là vào các dịp hè. Hệ thống dịch vụ ăn nghỉ tại các bãi biển này bước đầu cũng đã được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.
Và một điểm nhấn, rất triển vọng trong hành trình đến với Hoàng Mai, đó là tuyến du lịch trên sông Mai Giang gắn với hồ Vực Mấu. Dựa trên những tiềm năng đó, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn hơn cho sự phát triển, Thị xã Hoàng Mai đã xác định tăng cường đầu tư phát triển nhanh dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái. Gắn xây dựng, củng cố làng nghề và các sinh hoạt giải trí khác với phát triển du lịch. Tiếp tục công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện tại các khu, điểm đến du lịch của thị xã. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. “Phấn đấu đến năm 2020, thị xã đón từ 150 – 200 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mạnh của địa phương”, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Thị xã Hoàng Mai cho biết.
Với đặc thù là một thị xã biển có ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, Hoàng Mai tập trung phát triển mạnh ngành kinh tế biển có nhiều tiềm năng và lợi thế này. Tại phường Quỳnh Phương, nơi nhân dân có nghề truyền thống đi biển. Những năm qua, nhân dân đã tích cực chuyển đổi, đóng mới nhiều tàu thuyền có công suất lớn, vươn khơi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, trên địa bàn phường có 612 tàu, trong đó có 202 tàu trên 90 CV. Ông Hồ Xuân Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương cho biết: “Với sự phát triển của đội tàu đánh bắt xa bờ, các dịch vụ hậu cần nghề cá như xăng dầu, đá lạnh, các nhu yếu phẩm… phát triển, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của địa phương”. Hiện tại, trên địa bàn phường Quỳnh Phương có 7 tàu xăng dầu, chưa tính các cây xăng trên đất liền; 6 cơ sở sản xuất đá lạnh, 5 cơ sở buôn bán đá lạnh; 25 cơ sở thu mua hàng tươi sống; 55 cơ sở thu mua, chế biến hàng hải sản. Không chỉ tại Quỳnh Phương mà dịch vụ hậu cần nghề cá còn rất phát triển và trở thành sinh kế của nhiều người dân ở Hoàng Mai.
Với sức phát triển đó, trong nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng bộ thị xã chỉ rõ: “Đẩy mạnh chuyển đổi nghề, đầu tư phương tiện đánh bắt có công suất lớn, đủ tầm vươn khơi để phát triển nghề đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2020, phấn đấu có trên 500 tàu có công suất trên 90 CV, trong đó tàu công suất trên 400 CV có trên 200 chiếc”. Tất yếu, kéo theo đó các lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá ở Hoàng Mai chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, Thị xã Hoàng Mai đã có các định hướng phát triển theo phương châm đa dạng hoá, phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ trên cơ sở quy hoạch và xây dựng mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới chợ đạt chuẩn trên địa bàn thị xã. Quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới vận tải, kho bãi, đảm bảo lưu thông hàng hóa. Xây dựng hoàn thành Bến xe khách thị xã và các bãi đỗ xe phù hợp quy hoạch xây dựng. Khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, cảng sông. Nâng cao chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động của các ngành dịch vụ. Chú trọng phát triển dịch vụ tín dụng, vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng, tin học, y tế, thể dục thể thao. Qua những nét khái quát trên, có thể thấy bức tranh kinh tế tổng thể của Thị xã Hoàng Mai trong những năm tiếp theo có rất nhiều gam màu sáng. Và với những gì đã đạt được, đặt trong thời cơ và vận hội mới, tin rằng, Thị xã Hoàng Mai sẽ phát triển tương xứng với kỳ vọng.
Nhật Lệ