(Baonghean) Hôn nhân của người Mông ngày nay đã khác nhiều so với xưa. Nam nữ đến với nhau từ tình yêu. Tục “cướp vợ” đã có sự biến đổi theo hướng tích cực. Bởi vậy, những bi kịch hôn nhân ít dần...
Khi nam, nữ đã đến tuổi cập kê, họ tìm đến với nhau. Thường thì chàng trai vẫn là người đóng vai trò chủ động tìm hiểu cô gái, từ gia thế đến việc đã có người thương hay chưa. Nếu cô gái chưa có hoặc có người yêu rồi thì trả lời cho chàng trai được biết, để họ có những ứng xử phù hợp. Nam nữ đến với nhau trên cơ sở tâm đầu, ý hợp, khi tình yêu đủ độ chín sẽ tính đến việc kết hôn.
Lúc này, tục “cướp vợ” mới được nhà trai thực hiện: Chàng trai đưa cô gái về nhà mình và nhờ một người đức cao vọng trọng trong dòng họ mình (thường là bố của chàng trai) đến nhà gái báo tin với nội dung con gái của ông, bà đã lấy con trai/cháu tôi. Nay báo tin để ông, bà khỏi phải đi tìm nữa. Và người báo tin sẽ đưa cho nhà cô gái một số tiền nho nhỏ từ 50.000-100.000 đồng, gọi là tiền báo tin. Và cũng theo như đúng với tục xưa, trong vòng 3 ngày (kể từ khi chàng trai đưa cô gái về nhà) phải tổ chức đám cưới. Đám cưới ở cả hai nhà nội, ngoại tổ chức nhỏ hay to là tùy theo điều kiện của từng gia đình; với phương châm tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.
Cô dâu, chú rể đón nhận lời chúc phúc của mọi người.
Anh Sồng Bá Dênh đã mời chúng tôi cùng đến dự đám cưới của anh Vừ Bá Sỹ và chị Lý Kha trong bản Mường Lống 1. Cả hai anh chị đều là giáo viên trong xã, chị Lý Kha là người Mông ở xã Huồi Tụ. Vào lễ cưới, cô dâu và chú rể được bố trí ngồi ở mâm trung tâm, cao nhất. Trên bàn cô dâu, chú rể có một vài món ăn và chai rượu, cùng một số chén rất nhỏ được cưa từ lóng nứa. Cô dâu và chú rể sẽ ngồi ở đây nhận sự chúc mừng của mọi người, cho đến hết buổi lễ.
Ở các mâm khách, mỗi mâm có khoảng 10 người. Khi có đủ số lượng khách, gia chủ sẽ mời mọi người vào dự tiệc chung vui. Sẽ có 2 người, một ở nhà trai, một ở nhà gái được cử làm chủ xị ở mâm đó, điều tiết cuộc vui ăn uống trong tiếng nhạc nhẹ nhàng ca ngợi về tình yêu quê hương, đất nước. Hôn nhân xuất phát từ tình yêu đích thực, vợ chồng sẽ sống với nhau thủy chung. Người Mông cũng như nhiều dân tộc khác đều có quyền kết hôn với người của bất cứ dân tộc nào miễn là xuất phát từ tình yêu. Nếu lấy người ở dân tộc khác, dòng họ sẽ tìm một người am hiểu phong tục của cả hai dân tộc để lo tất việc cưới chu toàn...
Với sự hiệu lực của Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như nhận thức của người dân ngày càng tiến bộ, những đám cưới kiểu “cướp vợ” như xưa đã hạn chế tối đa. Hạnh phúc hôn nhân gia đình của người Mông dần được đảm bảo.
Đám cưới mới của đồng bào Mông
Chung Hải