Sáng 30/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

ttbbs_19920863_30102021.jpgToàn cảnh Phiên họp tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
CẦN CÓ GIẢI PHÁP GIỮ CHÂN DOANH NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Tại phiên thảo luận, ý kiến các đại biểu cơ bản tán thành nội dung dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đồng thời phát biểu phân tích, đề xuất thêm nhiều nội dung.

Phát biểu thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đồng tình với nhiều nhận định trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; trong đó có việc phân tích mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, đây là chỉ số rất được quan tâm hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực để phục hồi kinh tế sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. 

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An dự họp tại điểm cầu trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu có vấn đề cần lưu ý là trong khi số lượng doanh nghiệp Việt Nam phát triển chưa được như mong muốn thì trong giai đoạn 2016 - 2020 đã có nhiều nhà kinh doanh Việt Nam thành lập doanh nghiệp tại Singapore. 

Mặc dù chưa có số lượng chính thức song với sự sôi động của thị trường tư vấn thành lập doanh nghiệp của người Việt ở đảo quốc sư tử đã cho thấy nhu cầu này ở Singapore rất lớn, đặc biệt đa số các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trong đó có những doanh nghiệp hiện đang phát triển rất mạnh mẽ về khoa học công nghệ và thương mại điện tử. 

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, điều này phản ánh các quy định về thành lập doanh nghiệp ở nước ta chưa có sức thu hút lớn. Song điều quan trọng hơn là môi trường kinh doanh ở nước ta chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

“Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu trăn trở và nhấn mạnh thêm, đây còn là sự chảy máu tài năng trong kinh doanh và khoa học công nghệ. 

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBHQ, HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Vì vậy, đại biểu cho rằng, giai đoạn 2021 - 2025 cần phải có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để thu hút những người Việt có ý tưởng đổi mới sáng tạo khởi sự kinh doanh tại Việt Nam.

Để làm được điều này, nhất trí với chủ trương của Chính phủ trong báo cáo trình Quốc hội là cần phải xem cải cách thể chế là giải pháp mang tính đột phá, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị thêm, ngoài việc chủ trương lập pháp từ sớm, từ xa, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm thì việc xây dựng thể chế còn phải có mục tiêu hướng đến đổi mới sáng tạo; đây là điều mà hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang xem là trọng tâm trong hoạt động lập pháp.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng chia sẻ kinh nghiệm từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) rằng, trong xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo phải đánh giá rõ những tác động của quy định pháp luật đối với sự phát triển của công nghệ. Các quy định của pháp luật phải hướng đến việc nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ưu tiên sử dụng các phương pháp điều chỉnh thân thiện với sự phát triển của công nghệ như coi trọng các công cụ điều chỉnh mang tính kinh tế, các thỏa thuận hơn là đặt ra các tiêu chuẩn cứng nhắc.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, thảo luận tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cần sớm nghiên cứu ban hành các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Nội dung này đã được định hướng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XV. Chính phủ cũng đã có kế hoạch xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. 

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, đây là vấn đề mới, dự kiến sẽ có những nội dung chưa được pháp luật hiện hành quy định, đồng thời có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau mà không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực công nghệ tài chính. 

Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng trình Quốc hội ban hành một nghị quyết về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thể hiện rõ chủ trương đổi mới sáng tạo, đồng thời có cơ sở triển khai thực hiện một cách thống nhất trên nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. 

Mặt khác, để thực hiện được mục tiêu cải cách thể chế, phục vụ cho phát triển, đổi mới sáng tạo, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng cũng cần nghiên cứu để có những cải tiến, đổi mới nhằm đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xem xét thông qua các dự án luật.

Vì theo đại biểu, quy trình lập pháp hiện nay thông thường để một dự án luật được thông qua kể từ thời điểm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là khoảng một năm đối với dự án luật được xem xét thông qua tại một kỳ họp và khoảng 1,5 - 2 năm đối với dự án luật được xem xét thông qua tại hai kỳ họp, thậm chí là 2,5 năm nếu thông qua tại ba kỳ họp. Trong khi đó, kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, thời gian trung bình để một dự án luật được thông qua kể từ khi được trình ra Quốc hội chỉ khoảng 150 ngày.

XÁC ĐỊNH VÀ KHƠI THÔNG NÚT THẮT CỦA TỪNG NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Cũng tại phiên thảo luận còn có 30 đại biểu khác phát biểu, 3 đại biểu tranh luận. Trong đó, đại biểu Trần Hữu Hậu - đoàn Tây Ninh, đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cơ cấu lại nền kinh tế được nêu khá rõ ràng, chi tiết. Theo đại biểu kết quả cơ cấu lại của các ngành, các địa phương dưới vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An theo dõi phiên họp đến từ các điểm cầu. Ảnh: Thành Duy

Do đó, đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nên tập trung xác định vào những nút thắt của nền kinh tế, của từng ngành, từng địa phương; từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi nhằm khơi thông, tạo động lực cho các ngành, địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh, bền vững.

“Tôi đề nghị như thế là vì nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được nút thắt cũng như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được điểm nghẽn”, đại biểu đoàn Tây Ninh ví von và cho rằng đây là phương thức tiếp cận từ thực tiễn. 

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương cho rằng, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 quan trọng nhất là phải đặt kế hoạch này trong tổng thể các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, trong đó trọng yếu là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch đất quốc gia, chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, các xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, đặc biệt kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải tiên lượng vấn đề, minh định được các kịch bản ứng phó với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội sáng 30/10. Ảnh: Quochoi.vn

Mặt khác, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 dù đã cơ bản bao trùm cơ cấu ngành, lãnh thổ, thành phần kinh tế, song trong cơ cấu nền kinh tế cần phân tích khu vực kinh tế phi chính thức, một bộ phận cấu thành nền kinh tế các quốc gia đang phát triển để phản ánh hết hiện trạng và thực lực của nền kinh tế.