Sáng 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Nội dung dự thảo Luật gồm 8 chương, 156 điều bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm thay đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã ra đời cách đây 20 năm, nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và kỳ vọng sẽ mang lại cú hích cho thị trường bảo hiểm thương mại nước ta.
Các đại biểu cũng có nhiều ý kiến về từng nhóm chính sách, điều khoản cụ thể trong dự thảo luật; đặc biệt liên quan đến bảo hiểm vi mô, đây là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản trước những rủi ro có thể xảy ra.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - đoàn Bình Phước nhận định: Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, theo đại biểu việc triển khai ở nước ta chưa thực sự phát triển, hiện mới chỉ có khoảng 200.000 hợp đồng.
Nguyên nhân là do sản phẩm chủ yếu hướng đến đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận; trong khi chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô và thực tế vẫn còn khoảng trống chính sách và pháp luật về bảo hiểm vi mô.
Theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các tổ chức được cung cấp bảo hiểm vi mô gồm doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập, hoạt động tại Việt Nam và tổ chức tương hỗ cung cấp cho chính các thành viên của mình.
Tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang băn khoăn xét quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm vi mô của các tổ chức tương hỗ; do đó, nếu có rủi ro sẽ tác động rất lớn đến xã hội.
Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô; đồng thời đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ quy định; làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô và bảo hiểm thông thường; xác định vai trò các tổ chức tham gia.
Cũng liên quan đến bảo hiểm vi mô, đại biểu Lâm Văn Đoan - đoàn Lâm Đồng tán thành sự cần thiết bổ sung các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự án luật vì luật hiện hành không có quy định riêng về bảo hiểm vi mô.
“Do chưa có các quy định pháp lý phù hợp nên bảo hiểm vi mô chưa phát triển”, đại biểu Đoan nói, đồng thời phân tích ở nước ta tiềm năng thị trường rất lớn cho bảo hiểm vi mô phát triển khi đến năm 2021 còn 67% lực lượng lao động trong độ tuổi, ước khoảng 35 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội; còn bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng mới chỉ có khoảng 1,3 triệu người tham gia.
Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy rằng, chính phủ nhiều nước coi phát triển bảo hiểm vi mô là một trong các giải pháp để cải thiện cuộc sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.
Hiệu quả và tiềm năng của sản phẩm bảo hiểm vi mô lớn, song theo đại biểu đoàn Lâm Đồng, thiết kế trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), nội dung đề cập về bảo hiểm vi mô còn mỏng, chỉ có 1 chương gồm 2 điều với các quy định rất là khung. Đây cũng là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình và nêu ý kiến.
Trên cơ sở đó, đại biểu Lâm Văn Đoan kiến nghị cần quan tâm phát triển hệ thống tổ chức, chương trình, dự án bảo hiểm vi mô hoạt động an toàn, bền vững, hướng tới mục tiêu là đối tượng người nghèo, người cận nghèo, người thu nhập thấp, phù hợp với mục tiêu, chủ trương của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Để các quy định về bảo hiểm vi mô khả thi, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần tham vấn, lấy ý kiến, đối thoại trực tiếp với các công ty bảo hiểm, các tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô để tìm hiểu, phân tích, nhu cầu, khó khăn, rào cản trong thực hiện các sản phẩm bảo hiểm vi mô; từ đó xây dựng khung pháp lý phù hợp sát với thực tiễn.
“Nếu không xác định tính đặc thù của sản phẩm này so với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường thì các quy định sẽ rất khó khả thi”, đại biểu Đoan nói.
Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Thẩm định các hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ người mua
Mặt khác, cần nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người nghèo, người thu nhập thấp, trong đó có chính sách hợp tác giữa các doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, cung cấp dịch vụ thuận lợi với chi phí thấp cho người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện khuyến khích cho các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, mạng lưới bưu chính tích cực tham gia phối hợp hỗ trợ hoạt động tài chính vi mô phát triển, trong đó có bảo hiểm vi mô.
Cũng tại phiên thảo luận, ý kiến các đại biểu cũng thảo luận nhiều nội dung liên quan đến các quy định mới bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và khắc phục những bất cập hiện nay trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; về hợp đồng bảo hiểm; các loại bảo hiểm bắt buộc; chống trục lợi, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm...