Chiều 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc trực tuyến nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về một số nội dung quan trọng theo chương trình kỳ họp.

toan_canh_bt_67unguyen_chi_dung8583877_29102021.jpgToàn cảnh Phiên họp tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. 

Trong đó, Chính phủ nhận định thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Quochoi.vn

Trước bối cảnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên 5 quan điểm; đề xuất 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; xác định 130 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương gắn với việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, mục tiêu quy hoạch là đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của đất nước. 

Kế hoạch đặt ra mục tiêu bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đảm bảo kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày các báo cáo thẩm tra về hai nội dung này.

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An dự họp tại điểm cầu trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh. Ảnh: Thành Duy

ĐỀ XUẤT BỔ SUNG MỘT SỐ QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai nội dung trên. Đoàn đại biểu Nghệ An cơ bản thống nhất với các nội dung Chính phủ trình và các báo cáo thẩm tra; đồng thời kiến nghị thêm một số ý kiến.

Về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Thái Văn Thành đánh giá quan điểm xây dựng đã đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững giữa phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo môi trường. 

Đại biểu Thái Văn Thành phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị trong mục tiêu tổng quát nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thêm nội dung đổi mới cải cách thể chế theo hướng là mở rộng thành hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật và phát triển kinh tế đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương để tạo động lực đột phá cho kinh tế địa phương, vùng; tạo lan tỏa liên kết các vùng kinh tế và đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội các địa phương này chủ động, phát huy nội lực và có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, thích ứng nhanh với hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như tác động của dịch Covid -19.

Đại biểu Thái Văn Thành cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng hệ thống các tiêu chí đo lường mức độ hoàn thành kết quả cơ cấu lại nền kinh tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương để làm căn cứ phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong cả quá trình thực hiện, cũng như so sánh, đánh giá mức độ hoàn thành vào cuối giai đoạn.

Về nhiệm vụ, giải pháp hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, GS.TS Thái Văn Thành cũng mong muốn có giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ theo hướng tiến tới hình thành được các trung tâm tài chính lớn ở nước ta, mang tầm khu vực để tạo ra động lực phát triển, kết nối quốc gia, khu vực và quốc tế; đồng thời hình thành các trung tâm y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch để phát huy tiềm năng, vị thế nước ta. Mặt khác cũng cần làm rõ hơn cơ chế, chính sách đẩy mạnh liên kết các vùng kinh tế trong nước.

Đại biểu Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Duy

Về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An đề nghị bổ sung các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách về thu hút và quản lý, sử dụng hiệu quả vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; tăng hiệu quả hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên các phương diện như: Khung pháp luật, cơ chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, gia nhập thị trường, kết cấu hạ tầng, tiếp cận thông tin;…

Về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đối với diện tích đất thực hiện Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trên địa bàn các huyện Nghi Lộc và Đô Lương (Nghệ An); bổ sung quy hoạch thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy đối với quy hoạch sử dụng đất khu kinh tế cửa khẩu.

Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị đánh giá việc rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả và giao lại cho địa phương quản lý để giao cho người dân sản xuất, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.

Đại biểu Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Duy

Về nội dung này, đại biểu Vi Văn Sơn  - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đề nghị nghiên cứu giảm tỷ lệ che phủ rừng tại những địa phương có độ che phủ rừng cao để tạo điều kiện tăng tỷ lệ đất sản xuất cho người dân còn thiếu đất sản xuất.

Về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đề nghị trong đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 cần đánh giá thêm hiệu quả sử dụng đối với diện tích đất thu hồi đất để thực hiện các dự án.

Vì trong thực tế, sau khi thu hồi đất, nhiều dự án không triển khai; trong khi đó người dân bị thu hồi đất lại không có đất sản xuất dẫn đến lãng phí; mặt khác đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm khoảng 80% số đơn thư do các vấn đề liên quan đến bồi thường thu hồi đất và xử lý các vấn đề liên quan đến đất. 

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở đánh giá đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu tính toán vấn đề thu hồi đất dự án giai đoạn mơi đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, đồng thời có cơ chế bồi thường, hỗ trợ kịp thời để người dân yên tâm, giảm bớt khiếu kiện, khiếu nại liên quan đất đất đai. 

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị cần có giải pháp tách bạch giữa đất giao cho tôn giáo, tín ngưỡng, đất cho thương mại, dịch vụ liên quan đến việc cấp đất cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, tâm linh; đồng thời tính toán bổ sung quy hoạch đất dành cho sản xuất muối tại vùng Bắc Trung bộ.