Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 5/4, các đại biểu thảo luận về các nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Tại hội nghị, các ý kiến của đại biểu chưa đồng tình việc điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng và kiến nghị giải pháp quy định để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn ODA.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo nhóm A, B, C. Theo các đại biểu, việc điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng là mức quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.
“Đối với một quốc gia đang phát triển, cả giai đoạn phát triển 5 năm chỉ có 2 dự án là quá ít. Trong thời gian đó không có những biến động theo Luật điều chỉnh. Luật quy định những biến động lớn về giá cả mới được điều chỉnh. Trên thực tiễn, nếu Quốc hội quyết định có ngay vốn, có ngay chính sách đặc thù và được đại biểu đóng góp ý kiến tốt hơn. Mặt khác, hiện nay chúng ta coi mức vốn 10.000 tỷ đồng là bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá và tăng trưởng, dự kiến cho tương lai như thế là không hợp lý”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam phân tích, nếu điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng có thể 5 năm tới Quốc hội không quyết định được dự án nào.
Theo các đại biểu, nếu Quốc hội quyết 10.000 tỷ đồng vẫn là con số lớn, quy định thấp hơn để đảm bảo tính khả thi. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đoàn Cần Thơ; đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đoàn Hòa Bình cũng nêu thực tế thời gian qua có việc chia nhỏ vốn của các dự án để không phải trình Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho biết, tình trạng công trình khan vốn trong khi nhà đầu tư dư vốn nhưng không giải ngân được. Do vậy, cần có quy định để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn ODA.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu nêu ý kiến về tiêu chí dự án liên quan đến tác động môi trường, sử dụng đất rừng, đất lúa, tác động đến dân cư... Đây là những vấn đề quan trọng của quốc gia, cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất về chính sách được quy định ở các luật khác./.