Chiều 16/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị chưa sửa đổi toàn diện vì quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc do quy định của Luật Đầu tư công, song nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm. Mặt khác, Luật mới có hiệu lực 3 năm; thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ điều kiện tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá chính xác tính hiệu quả của luật.

“Địa phương không kém đến mức không làm được”

Đại biểu Bùi Văn Phương – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, trong một khuôn khổ pháp luật, đều là ngân sách Nhà nước nhưng quá trình thực hiện thì phần ngân sách địa phương thực hiện đầu tư công do thẩm quyền địa phương quyết định dường như không có gì vướng mắc, nhưng phần ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương lại bị chậm. Đây mới là cái gốc của vấn đề, không phải do vướng Luật Đầu tư công mà chậm.

170448-1.jpgĐại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương.

Vị đại biểu này đồng tình với quan điểm sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm theo hướng dần đẩy mạnh phân cấp, tăng cường hậu kiểm. Đây là mấu chốt của việc tháo gỡ khó khăn.

“Phân cấp, phân quyền, tôi nghĩ địa phương không quá kém đến mức không làm được” – ông Bùi Văn Phương nêu quan điểm, tuy nhiên, thiết kế trong dự thảo về trình phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm thì lại chưa thể hiện được tinh thần trên.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh Luật Đầu tư công là dự án Luật có đời sống ngắn nhất vì vừa mới áp dụng 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung. Vấn đề không phải sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi bổ sung một số điều mà quan trọng là phải chọn những vấn đề thực sự cần thiết và bức xúc để đưa vào phạm vi sửa đổi, tuyệt đối không đưa vào dự thảo Luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng.

Theo bà Mai, dự thảo Luật còn thiếu vắng các tiêu chí lựa chọn dự án, chưa gắn việc phân bổ nguồn lực với hiệu quả đầu ra, đồng thời chưa quy định về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân với hiệu quả dự án, nhất là trong trường hợp đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Luật hiện hành cho phép kéo dài thời hạn giải ngân 2 năm, cần thiết có thể kéo dài lên tới 5 năm. Theo nữ đại biểu, quy định này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, tăng lãi suất phải trả và chưa phù hợp với một số quy định khác, nên chỉnh sửa theo hướng chỉ cho phép kéo dài thời hạn tối đa là 2 năm, và nếu không thực hiện nghiêm thì thu hồi dự toán.

Không nên giảm thẩm quyền hợp lý và cần thiết của Quốc hội

Đối với quy định “dự án đầu tư công khẩn cấp”, Dự thảo Luật đã được mở quá rộng phạm vi so với Luật hiện hành, dẫn đến việc lạm dụng áp dụng quy định này, làm tăng tăng số lượng dự án khẩn cấp, không bảo đảm yêu cầu quản lý. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh điều kiện quyết định chủ trương đầu tư có vai trò quan trọng để đầu tư công phù hợp phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Nhưng quy định các “dự án đầu tư công khẩn cấp” không phải quyết định chủ trương đầu tư trong khi theo giải thích từ ngữ thì nội dung quá rộng và “các trường hợp khẩn cấp khác do Chính phủ quy định”.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết.

“Cần tiêu chí, nguyên tắc của dự án không cần chủ trương đầu tư để chặt chẽ, minh bạch trong quản lý vốn đầu tư. Quy định như dự thảo là quá rộng, là khe hở để chương trình dự án quy mô lớn lách luật” – bà Mai Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh và đề nghị cụ thể hóa loại dự án này.

Về phân loại dự án, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị quy định rõ điều kiện “quan trọng và mức độ quy mô”để dự án được phân chia thành dự án thành phần đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Đối với công tác chuẩn bị đầu tư, đề nghị không tách thành “dự án chuẩn bị đầu tư” như Dự thảo Luật. Cũng cho rằng quy định như vậy là quá chung chung, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết lưu ý đây là khe hở dẫn đến xé nhỏ dự án, gây thiếu minh bạch, thất thoát ngân sách.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh, mong muốn của ban soạn thảo là phân cấp mạnh và giảm thủ tục đầu tư, nhưng thiết kế nhiều điều khoản của Luật không đáp ứng được yêu cầu đó.

Cũng theo ông Hàm, nếu thật sự muốn phân cấp thì nên giao quyền tự quyết cho địa phương toàn bộ phần vốn bổ sung có mục tiêu của trung ương cho địa phương; địa phương có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu và báo cáo lại để kiểm soát (hậu kiểm); kiên quyết thu hồi và xử lý trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nên tham gia vào các dự án 100% vốn Trung ương./