Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, tại các  địa bàn miền núi, nhiều dự án thủy điện được xây dựng và không phủ nhận hiệu quả kinh tế mà các công trình này mang lại.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đồng bào các dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng bởi các dự án và đồng bào tái định cư gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, không được hưởng lợi từ dự án.

bna_tranvanmao334102_1382018.jpgPhó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão phát biểu chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ trưởng cho biết đã có các giải pháp nào để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách trích một phần ngân sách thu được từ thủy điện để đầu tư trở lại phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững?

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng cho biết, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển nguồn lực cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nhưng thực tế số cán bộ dân tộc thiểu số hiện nay ở các cấp từ Trung ương đến địa phương chiếm tỷ lệ rất thấp so với quy định của Chính phủ.

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp?" - đại biểu Trần Văn Mão chất vấn từ điểm cầu Nghệ An.

Do thời gian không cho phép nên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tiếp thu và trả lời các câu hỏi bằng văn bản.

Không để nợ kinh phí thực hiện chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số

Sau khi nghe các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có phát biểu tiếp thu các ý kiến; đồng thời khẳng định phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu phát triển bền vững, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng. 

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách bố trí, huy động nguồn lực, nỗ lực tổ chức thực hiện nhằm phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

“Hiện nay, chúng ta ban hành 116 chính sách đối với dân tộc thiểu số và miền núi, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội” - đồng chí Trương Hòa Bình nói.

Tuy nhiên, trong thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, do đó để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: “Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp”. 

Trong đó, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu đặt ra trong hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 và các chương trình mục tiêu, dự án khác; tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách cho các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số; xây dựng và triển khai đề án xây dựng nông thôn mới tập trung cho các thôn, bản thuộc xã khó khăn…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có các giải pháp thu hút đầu tư mạnh mẽ để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các dân tộc thiểu số; đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở trên 3 phương diện: đầu tư xây dựng bệnh viện huyện, trạm y tế xã, đào  tạo nhân lực y tế, hỗ trợ bảo hiểm y tế; khẩn trương rà soát, ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án di dân tái định cư tại các vùng trọng điểm…

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận các kiến nghị tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đặc biệt kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc tích hợp chính sách một chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc miền núi và các bộ, ngành khác tổng kết, đánh giá thật kỹ, có đề xuất thật khoa học về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên làm việc sáng 13/8. Ảnh: Quochoi.vn
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận phiên làm việc sáng 13/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tiếp tục thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới, trong đó rà soát, cân đối, bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đang có hiệu lực, không để nợ kinh phí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu tích hợp, thu gọn các đầu mối quản lý, thực hiện các chính sách dân tộc để hướng tới đề xuất một chương trình chung có thời hạn 10 năm cho giai đoạn tới trên cơ sở đánh giá, sơ kết thực hiện chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống;…