toan_canh_chat_van1891639_1382018.jpgNgày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 26 về chất vấn và trả lời chất vấn trực tuyến với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Công an. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các bộ trưởng. Toàn cảnh tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Chinhphu.vn
3 người dân tộc thiểu số có 1 người nghèo
Trong buổi sáng, dưới sự điều hành của đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế…); hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi dẫn số liệu, 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

"Cứ 3 người đồng bào dân tộc thiểu số thì có 1 người nghèo, 2 người nghèo cả nước thì có 1 người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số”, đại biểu Lợi nói.

Từ đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và giải pháp để khắc phục. Đây cũng là vấn đề được đại biểu Nguyễn Ngọc Phương từ điểm cầu Quảng Bình nêu lên với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trả lời chất vấn. Ảnh: Chinhphu.vn
Chia sẻ trăn trở về thực trạng trên, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, đến cuối năm 2017, số hộ nghèo cả nước là 1,46 triệu người, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 864.931, chiếm 52,66%.

Người đứng đầu Ủy ban Dân tộc cho biết đã tích cực tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành và hệ thống ngành dọc để tìm các giải pháp để tháo gỡ.

Trong đó, Ủy ban Dân tộc đã phối các bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào tháng 10/2016.

Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Văn Chiến thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn nên hiệu quả chưa đạt được. 

Có tình trạng không muốn ra khỏi hộ nghèo

Trả lời các đại biểu giải pháp giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhiều lần chia sẻ đây là trăn trở, day dứt nhiều cấp lãnh đạo và nhiều người làm công tác dân tộc và cả xã hội.

Theo người đứng đầu Ủy ban dân tộc để đẩy nhanh công tác giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cần thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, thông tin để kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vùng động lực phát triển.

Tại điểm cầu Nghệ An, các Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền và Trần Văn Mão chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đại diện các sở, ngành của tỉnh. Ảnh: Thành Duy
Bộ trưởng cũng nêu giải pháp đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo; ổn định dân cư; tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ khởi sự kinh doanh, kết nối thị trường, tiêu thụ những sản phẩm của bà con.
Ở khía cạnh các hộ nghèo, theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để cho bà con tự hào về nguồn cội, tự tin có thể thoát nghèo và tự lực phát huy nguồn lực để vươn lên, không trông chờ, dựa dẫm vào Nhà nước.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban Dân tộc cũng thẳng thắn thừa nhận rằng trong thực tiễn chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo là một trong những nguyên nhân để cho một số không nhiều đồng bào còn tư tưởng dựa dẫm. “Có tình trạng không muốn ra khỏi hộ nghèo” - Bộ trưởng nói.

Đồng bào dân tộc Thái Nghệ An làm nghề truyền thống. Ảnh tư liệu

Do đó, theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, hướng tới cần có cơ chế tăng vay ưu đãi, giảm cho không đối với hộ nghèo. Đi đối với đó là vẫn hỗ trợ nhưng là hỗ trợ có điều kiện.

“Cam kết hỗ trợ điểm A, điểm B, điểm C trong 3 năm phải thoát ra khỏi hộ nghèo, trong 5 năm phải thoát ra xã nghèo, trong 10 năm phải thoát ra khỏi huyện nghèo”, - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nói. 

Tựu trung lại, để công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao, theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến điều cần nhất là tích hợp tất cả các chính sách lại thành Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tránh tình trạng phân tán như hiện nay.