Chính sách cho xây dựng nông thôn mới vùng miền núi
(Bà Vi Thị Khằm - Xã Châu Khê, huyện Con Cuông)
Việc xây dựng NTM ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc đang đặt ra nhiều khó khăn. Không chỉ điểm xuất phát thấp hơn so với các địa phương vùng đồng bằng mà ở vùng này, địa bàn rộng hơn, dân cư bố trí thưa hơn và nhiều yếu tố chưa đảm bảo, đòi hỏi tỷ suất đầu tư lớn. Trong khi đó nguồn lực các địa phương không có, điều kiện của người dân cũng hạn chế và nguồn lực chủ yếu là từ ngân sách Trung ương và tỉnh. Đơn cử như xã Châu Khê hiện có 2 bản Khe Bu và Khe Nà chưa có điện lưới quốc gia. Đường liên bản có nhiều tuyến còn đường đất, đi lại khó khăn, chưa nói đến đường nội bản. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người toàn xã mới chỉ đạt 22 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
Bởi vậy, để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng NTM vùng miền núi, ngoài tăng cường lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, đề nghị tỉnh sớm có những chính sách kích cầu hơn nữa, hỗ trợ thôn, bản đạt chuẩn NTM nhằm khuyến khích các thôn, bản xây dựng NTM.
Quan tâm sắp xếp bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính
Khó khăn nhất của địa phương hiện nay là sáp nhập xã là cán bộ dôi dư còn nhiều. Đơn cử như Hội Liên hiệp phụ nữ xã có 6 cán bộ, trong đó có 2 người từ Chủ tịch Hội phụ nữ xã xuống làm Phó Chủ tịch nhưng được hưởng lương, phụ cấp chức danh Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ xã tổ chức đại hội nhiệm kỳ thì việc bố trí, sắp xếp cán bộ hội rất khó khăn, trong khi các cán bộ còn đủ các điều kiện về độ tuổi, đảm bảo bằng cấp. Đề nghị tỉnh cần quan tâm bố trí cán bộ dôi dư đảm bảo ổn định bộ máy trước kỳ đại hội. Phân bổ nguồn ngân sách hoạt động của tổ chức hội và đoàn thể quá ít so với trước khi sáp nhập xã, quan tâm chế độ ưu đãi cho cán bộ chi đoàn, chi hội.
Giám sát chặt chẽ công tác quản lý đất đai, môi trường
(Bà Phan Thị Đạt - Thành phố Vinh)
Một trong những vấn đề người dân thành phố Vinh bức xúc rất lo ngại về chất lượng nước sinh hoạt. Đề nghị các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, có giải pháp xử lý những tồn tại, tạo yên tâm cho người dân.
Bên cạnh đó, nhiều lô đất trên địa bàn thành phố Vinh chưa kê khai tên chủ sử dụng. Đây là lỗ hổng lớn trong quản lý đất đai nói riêng và tài sản nói chung, đề nghị Nhà nước có biện pháp kiểm tra, đưa vào quản lý. Bệnh cạnh đó, một số dự án đầu tư xây dựng chung cư và phân lô bán nền với thiết kế hạ tầng không phù hợp, nhất là hệ thống thoát nước chưa được đấu nối với hệ thống chung, đường giao thông cao hơn mặt bằng đất các khu dân cư kề cận gây ngập úng và bức xúc cho người dân. Vì vậy, đề nghị tỉnh và thành phố chú trọng chất lượng thẩm định, phê duyệt cũng như giám sát chặt chẽ việc thi công các công trình, dự án đầu tư và khắc phục các tồn tại đặt ra. Cùng đó, thành phố có nhiều dự án được phê duyệt đầu tư 10 - 15 năm, nhưng chậm triển khai hoặc triển khai ì ạch, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đề nghị tỉnh cần có giải pháp thu hồi các dự án treo, chậm tiến độ để không gây lãng phí quỹ đất.
Hỗ trợ phát triển kinh tế biển
(Ông Đậu Ngọc Hòa - Xã Diễn Ngọc - Diễn Châu)
Xã Diễn Ngọc từng được biết đến là xã đất chật người đông, ngành nghề chủ yếu của người dân là đánh bắt xa bờ, phục vụ hậu cần nghề cá. Trên địa bàn xã hiện có 227 tàu thuyền đi khai thác, đánh bắt hải sản, trong đó tàu đánh bắt xa bờ trên 90CV có 158 chiếc. Để khai thác phát huy có hiệu quả các ngành, nghề từ kinh tế biển, người dân địa phương mong muốn nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển vươn khơi như: cho ngư dân vay vốn dài hạn, kịp thời hơn bởi hiện nay ngư dân vay ngân hàng 1 năm phải đảo hạn một lần rất khó khăn cho bà con. Đi cùng với đó là quan tâm nạo vét sâu cảng cá Lạch Vạn để neo đậu tàu thuyền cho ngư dân bởi hiện nay cảng cá Lạch Vạn đã bị đất cát bồi lắp tàu thuyền ra vào cảng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, hiện nay ngư dân đang phải đóng lệ phí về giám sát hành trình của tàu cá trên biển 5 triệu đồng/tháng. Kinh phí quá lớn vì vậy ngư dân mong muốn được hỗ trợ giảm lệ phí này. Hiện nay, việc phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, ngư dân mong muốn có các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế biển có hiệu quả hơn.