Ngoài cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, 7 người khác phải hầu tòa gồm: Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó Giám đốc); Trịnh Thị Thuận (Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán); Lý Thị Ngọc Thủy (Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán); Phạm Đức Tuấn (cổ đông sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS); Ngô Thu Huyền (cựu Phó Giám đốc Công ty BMS); Trần Lê Hoàng (nguyên thẩm định viên Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội- VFS) và Phan Minh Dung (cựu TGĐ Công ty VFS).
Trong số này chỉ có bị cáo Quốc Anh và Hiền bị tạm giam, các bị cáo còn lại được tại ngoại.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 2 ngày, do thẩm phán Chử Phương Ngọc ngồi ghế chủ tọa.
Đại diện VKSND TP. Hà Nội tham gia phiên tòa gồm bà Trần Thị Thanh Huyền (kiểm sát viên cao cấp) và bà Hoàng Thị Dung (kiểm sát viên trung cấp).
Theo cáo trạng, quá trình triển khai thực hiện đề án, ký hợp đồng liên danh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Quốc Anh cùng các bị cáo khác đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện không đúng các quy định của pháp luật.
Bị cáo Trần Lê Hoàng, Phan Minh Dung bị xác định đã cấp chứng thư thẩm định giá xác định giá Robot Rosa 39 tỷ đồng trái quy định, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS tham gia liên doanh, liên kết lắp đặt Robot Rosa với giá trị 39 tỷ đồng không đúng thực tế.
Việc này nhằm mang lại lợi nhuận cho tập thể và cá nhân ông Quốc Anh hơn 331 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền bị xác định hưởng lợi 150 triệu đồng; Trịnh Thị Thuận hưởng lợi 50 triệu đồng. Trong vụ án này, hậu quả được xác định là việc làm tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.
Cáo buộc cho rằng, ông Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết. Chủ tịch HĐQT Công ty BMS đã biếu ông Quốc Anh 400 triệu đồng và 10.000 USD.
Bị cáo Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để cho Bệnh viện Bạch Mai được ký hợp đồng. Các bị cáo khác giữ vai trò đồng phạm thực hiện.