Để chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, gia đình ông Lê Doãn Xô (bản Đồng Tâm, xã Thạch Ngàn, Con Cuông) đã vào đàn 120 con lợn thịt. Chi phí đầu vào như thức ăn, vật tư thú y tăng cao nhưng giá lợn “neo” mức thấp trong thời gian dài khiến ông lo ngại. 2 tuần nay, thị trường lợn hơi có dấu hiệu phục hồi, giá lợn nhích từng ngày nên ông rất phấn khởi.
Ông Lê Doãn Xô cho biết: “Tôi vừa bán lứa lợn 15 con với giá 54.000 đồng/kg. Với mức giá này, người dân mới có lãi. Còn 100 con nữa sẽ bán rải từ giờ đến Rằm tháng Giêng. Hy vọng, cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng, giá lợn sẽ tăng thêm nữa để người nuôi có thêm đồng lãi, trang trải chi tiêu”.
Tại Con Cuông, nhiều hộ dân cũng chuẩn bị xuất bán ra thị trường số lượng lớn lợn hơi để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp cuối năm. Ông Lô Văn Vê (xã Mậu Đức) cho biết: “Ngoài 10 con lợn đen thì tôi còn nuôi thêm một bầy lợn siêu nạc để cung ứng thị trường Tết. Hiện lợn đã đạt trọng lượng 85-90kg/con. Mấy ngày qua, thương lái đã vào hỏi mua nhưng tôi chưa vội bán. Chờ đến áp Tết, giá nhích thêm thì sẽ xuất chuồng”.
Hiện toàn huyện Con Cuông có tổng đàn lợn 28.850 con, sản lượng xuất chuồng trên 2.500 tấn. Năm 2021, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục làm ảnh hưởng đến phát triển của đàn lợn, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn do thiếu giống và rủi ro do khi dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, nên hạn chế rất lớn đến tăng tổng đàn.
Bà Lô Thị Tâm - chuyên viên phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông cho biết: “Để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán, huyện đã tập trung khống chế, dập dịch tả châu Phi, hạn chế tối đa việc dịch tái phát; đồng thời, các địa phương đã tích cực rà soát, khuyến khích các hộ chăn nuôi đủ điều kiện an toàn tiếp tục tái đàn, tăng cường phòng, chống dịch để bảo toàn đàn lợn Tết. Hiện nay, cơ bản dịch tả lợn đã được khống chế, chỉ có 3 địa phương chưa qua 21 ngày. Giá lợn hơi tăng nên người chăn nuôi rất phấn khởi”.
Không chỉ chăn nuôi nông hộ, gia trại mà các trang trại quy mô lớn cũng hết sức phấn khởi khi giá lợn hơi đang trên đà tăng. Anh Bùi Văn Huỳnh - chủ một trang trại tổng hợp ở xóm 1, xã Thạch Sơn (Anh Sơn) có quy mô đàn lợn khoảng 1.500 con/năm. Riêng lứa lợn bán vào dịp Tết này xấp xỉ 300 con. Chủ động con giống, không phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp nên giá lợn tăng đem lại cho anh nguồn lợi nhuận khá.
Theo đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 của Sở Công Thương, hiện, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 930.821 con, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2021 ước đạt 141.040 tấn, tăng 3,36%, do đó, nguồn cung thịt lợn khá dồi dào dịp Tết. Việc giá lợn tăng nằm trong dự đoán, nguyên nhân là do sức tiêu thụ tăng đẩy giá lợn tăng theo. Do đây là thời điểm mà người dân, doanh nghiệp thu mua lợn để làm sản phẩm chế biến cho cuối năm và quý I nên giá lợn có động lực tăng.
"Việc giá lợn hơi tăng lên 57.000 – 60.000 đồng/kg là điều tất yếu. Bởi, thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, giá thịt lợn sẽ tăng để phục vụ cho thực phẩm chế biến. Bên cạnh đó, việc các hàng quán trên cả nước mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội cũng khiến nhu cầu tiêu dùng tăng lên, điều đó cũng khiến giá lợn tăng theo. Tuy nhiên, giá lợn tăng nhưng sẽ không có nhiều biến động, sẽ giữ ở khoảng 56.000 đồng – 60.000 đồng/kg.