(Baonghean) - Tuần qua, Video Clip phỏng vấn đồng chí Hồ Đức Phớc “Nêu gương từ những việc nhỏ” trên Báo Nghệ An điện tử (19/5) và đăng ở báo in với tít “Một tấm gương điển hình có sức lan tỏa hơn cả ngàn lời nói” nhật báo ngày 20/5, nhận được số phiếu bình chọn tin bài hay cao, được Ban Biên tập khen thưởng. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết.
 
Đây là bài phỏng vấn đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy về 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đúng vào dịp Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh nhật Bác. Đây là lần đầu tiên, Báo Nghệ An thực hiện phỏng vấn trực tuyến qua Video Clip. Vượt qua khuôn khổ của bài phỏng vấn chính trị, các câu hỏi đúng trọng tâm, trọng điểm, làm nổi bật được vấn đề về kết quả của 3 năm thực hiện cuộc vận động là những câu hỏi mang tính gợi mở để đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ quan điểm, định hướng của tỉnh trong thời gian tới. Phần trả lời của đồng chí Bí thư ngắn gọn, súc tích nhưng hàm chứa ý nghĩa lớn lao. Có thể nói, đây là một cuộc phỏng vấn hoàn hảo cả về câu hỏi lẫn câu trả lời.
 
Trong bài phỏng vấn, đáng chú ý là câu hỏi: “Thưa đồng chí Hồ Đức Phớc có ý kiến cho rằng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là phải bằng những việc làm cụ thể; hiệu quả chứ không phải là những lời hô hào chung chung, nói mà không thực hiện. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này?”. Đây là câu hỏi mang tính nhận định, đòi hỏi người trả lời phải nêu lên quan điểm, chính kiến riêng của mình. Phần trả lời của Bí thư Tỉnh ủy rất hay khi có sự liên tưởng, so sánh, ngôn từ mộc mạc: “Tôi cho rằng đó là ý kiến xác đáng”, và sau đó phân tích: “Trong cuộc sống, quan hệ xã hội, nếu như một người nào đó “nói một đằng, làm một nẻo” thì cũng đã gây mất lòng tin chứ chưa nói đến cán bộ, đảng viên”. Và do đó, “Một tấm gương điển hình có sức lan tỏa hơn vạn lời nói.
 
Gương mẫu là mệnh lệnh không lời, cho nên cán bộ, đảng viên nếu việc gương mẫu tự thân mình, tức là thấy mình làm những việc tốt ấy xuất phát từ tâm chứ không phải do cái này, cái kia tức là không cơ hội thì quần chúng nhân dân sẽ tin tưởng; sẽ tạo thành sức lan tỏa”. Khi đọc những câu trả lời này của Bí thư Tỉnh ủy, chắc rằng, mỗi chúng ta đều cảm thấy thấm thía, tự “soi lại mình” xem “đã gương mẫu chưa?” Có còn bệnh cơ hội, nói một đường làm một nẻo nữa hay không?
 
Ở câu hỏi “Thưa đồng chí, BTV Tỉnh ủy đã có những giải pháp gì để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian tới?”. Câu hỏi này mang tính định hướng, chỉ đạo. Ngỡ rằng câu trả lời sẽ khô khan, chung chung. Nhưng, thật thú vị với lối so sánh, liên tưởng độc đáo, sát thực, gần gũi để nói lên tầm vĩ mô, sự vĩ đại, “đỉnh cao của mọi đỉnh cao” về con người, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Câu trả lời bắt đầu bằng một kỷ niệm: “Khi đoàn công tác của tỉnh đi công tác ở nước Áo, tôi lên một tòa lâu đài và thoảng nghe một nhạc sỹ đánh bản nhạc bài hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Lúc đầu tôi cứ tưởng mình nhầm, bởi giữa một đất nước xa xôi, lại có người đánh bản nhạc bài hát về Bác Hồ. Sau khi hỏi lại và được nhạc sỹ xác nhận đúng, anh em trrong đoàn vừa đi, vừa vỗ tay vừa hát. Lúc đó tôi cảm thấy rất tự hào về Bác Hồ - Người đã làm rạng rỡ non sông Việt Nam”.
 
Quả là một chi tiết đắt, ngỡ nó chẳng liên quan gì đến câu trả lời của bài phỏng vấn, một kỷ niệm rất riêng của cá nhân nhưng đã khái quát được tầm ảnh hưởng của Bác Hồ trên thế giới, để ở một đất nước xa xôi như Áo, Bác vẫn tỏa sáng, vẫn làm “rạng rỡ non sông Việt Nam”, để từ đó, bản thân mỗi người cảm nhận được rằng: “Bác Hồ là biểu tượng để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo”. Do đó, Tỉnh ủy sẽ “Quyết tâm biến mục tiêu xây dựng dân giàu, nước mạnh bằng những việc làm cụ thể”.
 
Đặc biệt, xen lần giữa các câu hỏi và trả lời phỏng vấn là những thước phim, những phóng sự phản ánh việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở cơ sở, qua đó, giúp chúng ta theo dõi, xâu chuỗi, nắm bắt được tình hình thực tế, để kiểm chứng xem việc triển khai chỉ thị, chúng ta đã thực hiện “nói đi đôi với làm” hay chưa? Đã thực chất chưa? Còn mang bệnh hình thức hay không? Đặc biệt, trong một số ý kiến người dân, họ đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như những nghi ngại trong việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên. Và câu trả lời của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định chắc chắn: “Phải luôn luôn phát huy tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” sẽ tạo ra sức lan tỏa và trở thành tấm gương để cho quần chúng và nhân dân noi theo.
 
Bác Hồ là biểu tượng để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải noi theo và để hướng tới xây dựng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Đây là mục tiêu cao nhất mà chúng ta đang hướng tới. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ quyết tâm để biến mục tiêu này thành hiện thực và đưa những chương trình hết sức thiết thực cùng với phát huy tính tự giác, tính nêu gương trong cán bộ, đảng viên; đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn những lệch lạc có thể xảy ra…”. Bài phỏng vấn đã gửi đi một thông điệp, niềm tin, sự quyết tâm, đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh để chúng ta hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn.
 
Người xây dựng