(Baonghean) - Bằng nhiều giải pháp, cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn từ cơ sở, theo phương thức “yếu” chỗ nào củng cố chỗ đó, hệ thống chính trị cơ sở tại một số địa phương đã được kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015”…

Chọn điểm nhân diện
 
Kỳ Sơn, một trong những xã vùng giáo có điều kiện tương đối thuận lợi nhưng hệ thống chính trị cơ sở từ xã đến xóm mấy năm trước hoạt động hạn chế, đã được Huyện ủy Tân Kỳ chọn làm xã điểm “Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện”. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện đã thu được kết quả khả quan, khẳng định những giải pháp đưa ra hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cơ sở.
images927912_dsc_0862.jpgCán bộ huyện Tân Kỳ và xã Kỳ Sơn trao đổi với người dân xóm Phượng Kỳ 1 về kết quả hiến đất mở đường.
Ở xóm Phượng Kỳ 1, nhờ sự đồng thuận, tích cực vận động nhân dân của chi bộ, ban cán sự, ban công tác mặt trận xóm, 3 tổ liên gia đã hợp lực mở rộng con đường 6m quang đãng, san nền chuẩn bị đổ bê tông. Nhiều hộ đã gương mẫu dỡ bỏ hàng chục mét tường rào, chặt bỏ hàng trăm cây ăn quả, cây gỗ. Điển hình như gia đình CCB Nguyễn Văn Hải dỡ bỏ hơn 65m bờ rào; gia đình Nguyễn Văn Hà tự nguyện tháo dỡ gần 40m tường rào, hiến gần 200 m2 đất...  Được biết, mấy năm trước tình hình an ninh trật tự ở Phượng Kỳ 1 rất phức tạp, trộm cắp thường xuyên xảy ra, trong khi đó vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng mờ nhạt, các tổ chức chính trị, xã hội yếu kém. Thực trạng này cũng là tồn tại chung của hệ thống các đơn vị xóm của xã Kỳ Sơn. Thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện tại xã Kỳ Sơn, Huyện uỷ Tân Kỳ, Đảng uỷ xã xác định việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, khẳng định vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng, hạt nhân chính trị tại cơ sở và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn, hội, mặt trận... Sau khảo sát thực tế nắm chắc tình hình cơ sở, Ban chỉ đạo tiến hành tập huấn sử dụng tài liệu “tự biên soạn” theo tinh thần “cầm tay chỉ việc”, yếu ở đâu bổ sung ở đó... Từ cách làm này, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện cho thấy mô hình đã phát huy hiệu quả tốt, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ xã đến xóm đã có chuyển biến rõ rệt, chất lượng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, cán bộ, đảng viên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng, đồng tình ủng hộ với các chủ trương của cấp trên.   
 
Bí thư Chi bộ Phượng Kỳ 1, đồng chí Lê Thị Minh Châu, chia sẻ: Sau khi được tập huấn, nội dung sinh hoạt, nghị quyết của chi bộ đề ra, thảo luận đã bám vào những vấn đề thực tiễn đặt ra tại cơ sở. Nhờ đó, đảng viên tự giác tham gia sinh hoạt, đóng góp trí tuệ để xây dựng chi bộ. Xuất phát từ thực tiễn một xóm khó khăn không có  nhiều lợi thế, chi bộ đã trăn trở chỉ đạo các tổ chức chính trị vận động hỗ trợ giúp đỡ nhau thông qua việc chung phường, chung vốn phát triển sản xuất. Chi hội phụ nữ đẩy mạnh phát triển nghề sản xuất chăn đệm bông, các hội viên CCB thành lập tổ xây dựng, nghề mộc... Chi bộ có 19 đảng viên thì đến nay đều là hộ khá, giàu, trong số 145 hộ toàn xóm thì chỉ còn 18 hộ diện nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân càng được củng cố.
 
Còn tại Chi bộ Tiền Phong 2, nơi từng được đảng bộ xã “xếp” vào diện đơn vị đối mặt với một trong 3 nguy cơ mất chi bộ: Đó là tỷ lệ tuổi đời đảng viên tham gia sinh hoạt quá cao, nhiều năm không phát triển được đảng viên trẻ, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa được chú trọng... Nhờ đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề nên chi bộ đã thực sự trở thành hạt nhân chính trị tại cơ sở. Từ chủ trương đúng đắn, tạo đồng tình đồng thuận cao của chi bộ, xóm Tiền Phong 2 đã thực sự khởi sắc khi toàn dân đồng lòng tu sửa con đường chính vào xóm, nhà văn hoá được đầu tư tu sửa mới, các mô hình trồng rau sạch: rau muống, bắp cải, súp lơ... phát huy hiệu quả kinh tế. Chi bộ cũng đã thành công trong bổ sung nguồn kế cận với kết quả sau 3 năm kết nạp được 3 đảng viên mới.  
 
Từ một xã có nhiều yếu kém với 7/17chi bộ đảng nguy cơ mất tổ chức, Đảng bộ xã Kỳ Sơn đã vươn lên đạt và giữ vững danh hiệu TSVM, các phong trào đứng ở tốp đầu của huyện... Từ thực tế đó, năm 2013, Huyện ủy Tân Kỳ tiếp tục triển khai củng cố hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện tại thị trấn và 1 đảng bộ khối cơ quan hành chính sự nghiệp là tại Trường THPT Tân Kỳ.  Mặc dù thời gian chưa dài nhưng đã có sự chuyển biến thực sự. Ví dụ như tại Thị trấn Lạt đến nay đã giải quyết vấn đề công nợ tồn đọng kéo dài, vấn đề quy hoạch xây dựng nghĩa trang, chỉnh trang đường giao thông nội thị... Còn tại Trường THPT Tân Kỳ đã củng cố căn bản công tác sinh hoạt chi bộ đảng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chất lượng dạy học đã được nâng lên... Trong năm 2014, cùng với việc vận động 37 ngành, đơn vị, cơ quan đăng ký giúp đỡ các xã theo phương thức “yếu đâu bù đó”, Tân Kỳ chọn thực hiên củng cố hệ thống chính trị tại xã Tân Hương, một  xã vùng giáo khó khăn đặc biệt theo phương châm “tập trung cao độ hơn, ưu tiên hơn” để triển khai có hiệu quả. Đồng chí Phan Văn Giáp - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: Để đưa Đề án “Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện” vào cuộc sống, BTV Huyện ủy Tân Kỳ đã có kế hoạch triển khai một cách bài bản, có hệ thống, tuần tự các bước, chọn các điểm để xây dựng rút kinh nghiệm rồi mới nhân ra diện rộng; khảo sát kỹ thực tế ở cơ sở để có giải pháp phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm...
 
Đa dạng, sáng tạo, hiệu quả
 
Không chọn xã làm điểm rồi từng bước nhân ra diện rộng như Tân Kỳ, cách làm của Huyện ủy Anh Sơn là tuỳ điều kiện thực tế tại mỗi cơ sở “yếu kém chỗ nào, khâu nào thì củng cố chỗ đó”. Theo đó huyện tiếp tục duy trì mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND xã; một số xã yếu kém khâu cán bộ chủ trì thì tăng cường, điều động cán bộ huyện xuống giữ vai trò chủ trì cơ sở. Bên cạnh đó để nâng cao chất lượng sinh hoạt, hỗ trợ giúp đỡ cơ sở giải quyết các vấn đề bức xúc đặt ra, BTV Huyện uỷ ra quyết định cử 21 đoàn công tác với 160 cán bộ xuống tham gia sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng tại chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ sở... 
 
Xã Phúc Sơn là địa phương duy nhất trên địa bàn huyện Anh Sơn thực hiện mô hình nhất thể hoá chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Nhờ có sự bài bản chăm lo công tác xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị thôn bản nên từ chỗ có nhiều đơn vị yếu kém nay đã vươn lên khá vững mạnh toàn diện. Chi bộ bản Cao Vều 1 từ ngày được thành lập (15/7/2010) sau khi chia tách bản Cao Vều thành 4 bản đến nay liên tục đạt chi bộ TSVM. Vai trò của chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo thôn bản trong công tác phát triển kinh tế, XĐGN, xây dựng đời sống văn hoá mới ngày càng được thể hiện rõ. Nhờ sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân, bản Cao Vều 1 đã xây dựng nhà văn hoá cộng đồng trị giá gần 400 triệu đồng; xây dựng sân bóng chuyền có hệ thống điện chiếu sáng; vận động nhân dân tận dụng lợi thế đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng... Sự gương mẫu, trách nhiệm đối với việc làng, việc xã, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình của Bí thư Chi bộ bản Cao Vều 1 Nguyễn Bá Ngọ đã thuyết phục được không những các đảng viên trong chi bộ mà các hộ dân trong bản cũng tin tưởng làm theo. Bí thư chi bộ Nguyễn Bá Ngọ tâm sự: “Mình phải làm tốt, gương mẫu đi đầu thì bà con mới tin và làm theo được”. Bản Cao Vều 1 hiện đang thực hiện kết nghĩa với bản Phôn Mường - cụm bản Mường Chăm (Lào) để xây dựng mối đoàn kết bản - bản tuyến biên giới Việt - Lào.  
 
Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Minh khẳng định: Là một xã “5 nhất” của Anh Sơn (rộng nhất, đông dân nhất, TCCS đảng và đảng viên đông nhất và có đường biên giới duy nhất) và gần như cũng là xã khó khăn nhất nhưng nhờ sự nhất thể hoá chức danh, có quy chế điều hành, thống nhất trong công tác chỉ đạo điều hành tình hình hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Phúc Sơn ngày càng được nâng lên, năm 2013, Đảng bộ Phúc Sơn vinh dự là 1 trong 2 đảng bộ TSVM tiêu biểu của huyện Anh Sơn. 
 
Năm 2013, cùng với việc chọn chủ đề “Năm dân chủ” hướng về cơ sở, huyện Anh Sơn đã có nhiều giải pháp như tổ chức đối thoại giữa Ban Thường vụ Huyện ủy với 320 bí thư chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ sở; đối thoại 198 giáo viên hợp đồng; đối thoại với nhân dân khối 3 Thị trấn... Cùng với việc cử cán bộ hàng tháng về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ khối nông thôn đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Các vấn đề đặt ra tại cơ sở lâu nay không được hướng dẫn giải quyết triệt để gây bức xúc dư luận như vấn đề đất đai, chính sách xã hội... đã được giải đáp kịp thời. Công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt cũng được chấn chỉnh, vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ đảng và ý thức trách nhiệm của đảng viên được nâng cao. 
 
Như vậy, để xây dựng và củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở, các địa phương phải căn cứ vào điều kiện thực tế để có giải pháp, cách làm phù hợp, góp phần tích cực trong việc kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo tổ chức sở đảng, thực tiễn hoạt động của các tổ chức chính trị. Dẫu rằng vẫn còn những khó khăn vướng mắc nhưng những kết quả đạt được trong củng có hệ thống chính trị cơ sở là bài học cần tích cực phát huy.
 
Bài, ảnh:Hữu Nghĩa