(Baonghean) - Cách đây gần 5 tháng, Công ty Cổ phần đầu tư Vintechco Đức Việt tìm đến huyện Tân Kỳ thuê đất trồng ớt xuất khẩu. Mặc dù đây là hình thức sản xuất mới nhưng UBND huyện Tân Kỳ vẫn mạnh dạn thu hút, tạo điều kiện để doanh nghiệp vào hoạt động. Sau một vụ trồng ớt, đến nay những cánh đồng ớt đã cho thu hoạch, có thể khẳng định được tính hiệu quả của cả “3 nhà”.
Một ngày đầu Xuân Giáp Ngọ, chúng tôi đến với huyện Tân Kỳ, được lãnh đạo huyện bật mí: “Chuyến công tác đầu xuân này, mời phóng viên đến những cánh đồng ớt xuất khẩu, để lấy cảm hứng viết bài “xông đất” đầu năm”. Từ Thị trấn Lạt ngược xã Tân Long lên Phú Sơn, tạt qua xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Bình, trong làn mưa xuân lất phất, bà con nông dân phấn khởi ra đồng thu hoạch ớt. Anh Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: “Mặc dù trời mưa rét như thế này nhưng bà con vẫn phải mang áo mưa ra đồng thu hoạch ớt. Bởi, theo quy định của phía công ty, ớt xuất khẩu là phải đang xanh, nếu để chín là công ty không nhập nữa. Do vậy, dù thời tiết không thuận lợi, bà con cũng chịu khó thu hoạch cho kịp thời vụ”.
Trò chuyện với chị Hoàng Thị Vân đang hái ớt trên cánh đồng của xóm Tân Hồ, xã Tân Long, được chị cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào đất ven sông Con, trước đây hàng năm thường trồng mía, hoặc ngô nhưng năm nay trồng ớt. Được phía công ty trồng ớt đầu tư giống, phân bón, ni lông, kỹ thuật…, sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc, ớt đã cho thu hoạch. Vừa ăn Tết xong công ty thông báo cho bà con ra đồng thu hoạch ớt, ai cũng phấn khởi. Tính đến ngày 12/2, gia đình tôi đã hái 5 lứa quả, nhập cho công ty được 1,5 tạ ớt. Mỗi kg ớt, công ty hợp đồng mua với giá 5 nghìn đồng. Dự kiến 3 sào ớt này gia đình tôi thu hoạch được khoảng 4,5 tấn quả”. Theo tính toán của chị Vân, so với trồng mía thì trồng ớt thu hoạch cao hơn nhiều, và chi phí cho trồng ớt ít hơn.
Đến xóm Tân Yên, xã Tân Phú, gặp vợ chồng anh Trần Xuân Công đang thu hoạch ớt trong vườn cao su. Nhìn những luống ớt của gia đình anh Công tốt hơn khá nhiều so với cánh đồng ớt ở xã Tân Long. Anh Công bộc bạch: Vườn cao su này gia đình trồng được 1 năm. Tận dụng diện tích đất trống, gia đình trồng xen dứa và dưa hấu, thu nhập đáng kể. Năm nay gia đình trồng xen ớt xuất khẩu, quả nhiều vô kể. Tính ra diện tích trồng xen ớt của gia đình khoảng 2 sào (tính sào 1.000 m2), vụ ớt này thu khoảng 3,5 tấn quả. So với các loại cây trồng xen khác, thì cây ớt hiệu quả cao nhất, và được công ty bao tiêu sản phẩm nên ổn định đầu ra. Còn dưa hấu và dứa năng suất tuy cao nhưng chi phí đầu tư lớn hơn, thị trường đầu ra bấp bênh.
Tại các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Dũng và Nghĩa Bình, không khí lao động trên cánh đồng ớt ở đây nhộn nhịp hơn nhiều. Theo hợp đồng của Công ty Cổ phần đầu tư Vintechco Đức Việt, ở 2 xã: Tân Long và Tân Phú, công ty chỉ đầu tư giống, phân bón, ni lông phủ luống và kỹ thuật để trồng 30 ha ớt, công lao động là do nông dân. Khi thu hoạch, công ty bao tiêu sản phẩm. Còn ở 2 xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Bình công ty thuê đất 3 năm, với giá 14 – 18 triệu đồng/ha/năm (tùy từng loại đất). Sau khi thuê đất, phía công ty tự chủ toàn bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình thực hiện, công ty sử dụng lao động là nông dân ngay tại địa phương, với mức giá từ 120 – 160 nghìn đồng/ngày (tùy từng công việc).
Bà Nguyễn Thị Liễu, nông dân xóm Đình, xã Nghĩa Dũng, phấn khởi cho biết: Nhà bà có 3 sào đất trên cánh đồng này, đều cho công ty thuê cả. Sau khi thuê đất, công ty nhận 3 người trong gia đình đi làm công, bình quân mỗi tháng 1 người làm 15 ngày công. Công việc ở đây không vất vả, chủ yếu là trồng, nhổ cỏ, thu hoạch mỗi ngày công ty trả 120 nghìn đồng/người. Nhưng đã làm cho công ty là phải tuân thủ giờ giấc theo quy định, buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 1h30 đến 5 giờ, ai đi chậm bị trừ tiền. Trước đây, ăn Tết xong bà con nghỉ chơi cả tháng Giêng, vì không có việc gì để làm, thì năm nay mới mồng 4 Tết đã kéo nhau đi làm trong thời tiết mưa rét. Mặc dù vậy nhưng ai cũng hồ hởi ra đồng đúng giờ, vì làm có tiền ngay. Công ty trả tiền sòng phẳng và kịp thời. Cứ 10 ngày thanh toán 1 lần, nếu ai cần cũng ứng trước được. Nhờ vậy, những người làm công cho công ty không còn phải lo chạy vạy tiền đi đám cưới, giỗ chạp như trước. Tính ra, so với trước đây mình tự sản xuất thì cho công ty thuê nông dân có lợi hơn nhiều. Nhà bà Liễu có 3 người đi làm công cho công ty, từ đầu vụ đến nay nhà bà được nhận tiền lương hơn 15 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Khiêm – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Vintechco Đức Việt, cho biết: “Cho đến thời điểm này chúng tôi mới thực sự “thở phào” với cây ớt trên đất Tân Kỳ. Với mức đầu tư ban đầu trên 10 tỷ đồng, bao gồm các loại máy móc phục vụ cho việc làm đất, làm luống, bón phân… đến giống, phân bón, vật tư. Đến nay, phần lớn diện tích ớt đã cho thu hoạch, với số lượng quả đạt chất lượng. Vụ thu hoạch ớt năm nay bắt đầu từ đầu tháng 2 và kết thúc cuối tháng 6/2014. Dự kiến 110 ha ớt trên địa bàn Tân Kỳ sẽ thu hoạch được 800 tấn (tương đương 40 tỷ đồng). Tính đến ngày 13/2, công ty đã thu hoạch được 25 tấn ớt và xuất khẩu sang Hàn Quốc”. Với năng suất, sản lượng ước tính như vậy, theo ông Khiêm là đạt mục tiêu đặt ra. Như vậy, đến thời điểm này công ty đã khẳng định được tính hiệu quả của cây ớt xuất khẩu (giống ớt 138TN và 600TN Trang nông) trên đất Tân Kỳ. Để trồng và chăm sóc 80 ha ớt tại xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Bình, ngoài sử dụng máy móc cơ giới hóa, công ty còn sử dụng 1 nghìn lao động thời vụ, tạo điều kiện cho nông dân trong vùng tiếp cận với phương thức sản xuất mới, mang tính hàng hóa cao.
Ông Phạm Văn Lợi – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Dũng phấn khởi nói: “Từ ngày có công ty vào trồng ớt, nông dân của những xóm lân cận như có nhà máy về làng. Hàng ngày chị em đi, về đúng giờ chẳng khác gì đi làm ca ở nhà máy. Trong quá trình sản xuất, phía công ty và chính quyền địa phương cùng với bà con nông dân luôn gắn bó, giúp đỡ nhau nên “3 nhà” đều có lợi. Vụ tới xã sẽ vận động bà con các xóm khác tạo điều kiện cho công ty thuê đất, có như vậy thì nông dân quê mình mới thay đổi nhận thức, tiếp cận nhanh với hình thức sản xuất nông nghiệp hiện đại”.
Ông Phạm Văn Hóa – Chủ tịch UBND huyện phấn khởi, cho biết: Công ty Cổ phần đầu tư Vintechco Đức Việt là đơn vị đầu tiêu đầu tư vào nông nghiệp đạt hiệu quả cho cả “3 nhà” là khâu đột phá của Tân Kỳ. Sắp tới, huyện tiếp tục liên doanh hợp tác với công ty, đồng thời từng bước thành lập HTX trồng ớt tại xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Bình, mục đích là, sau khi công ty bàn giao đất lại cho địa phương thì HTX tiếp tục phối hợp với công ty để trồng ớt, cung cấp sản phẩm xuất khẩu cho công ty. Trước mắt, bằng mọi hình thức tuyên truyền, huyện tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích trồng ớt. Đồng thời tổ chức cho các đoàn thể, địa phương tham quan học tập mô hình để nhân rộng, nhằm tạo cho nông dân nhận thức được hình thức sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa có giá trị cao.
Xuân Hoàng