(Baonghean.vn) - Đồng chí Lê Minh Thông chia sẻ: "Tôi rất mong tất cả tổ chức cộng đồng cùng chung tay hành động nói không với bạo lực, xâm hại trẻ em".

Sáng 14/7, UBND tỉnh tổ chức diễn đàn trẻ em “Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Tham dự diễn đàn có các đồng chí Lê Minh Thông - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hồ Mậu Thanh - Giám đốc Sở Văn hoá -Thể thao, Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động ,Thương binh & Xã hội; Lê Thị Hoài Chung - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở ban ngành liên quan, cùng hơn 102 học sinh đến từ các địa  phương trên địa bàn tỉnh.

Diễn đàn “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” được tổ chức là cơ hội thực sự cho các em nói lên những suy nghĩ về cuộc sống, bản thân gia đình và cộng đồng; những lo lắng trăn trở, những nguyện vọng để đại diện các cấp ngành lắng nghe, tiếp thu trao đổi từ đó giải đáp những thắc mắc cho các em.

Xâm hại trẻ em không chỉ là xâm hại tình dục

Hiện nay hầu hết trẻ em đều chưa hiểu rõ thế nào là xâm hại và bạo lực với trẻ em, hầu hết trẻ đều cho rằng xâm hại chính là bị cưỡng bức, sàm sỡ, đánh đập.  

Em Trương Thuý Quỳnh - đại diện  trẻ em huyện Nghi Lộc có câu hỏi “Xâm hại tình dục là gì và chúng cháu phải có những kỹ năng gì để phòng tránh ”.

Ông Cao Ánh Hồng - đại diện Công an tỉnh cho biết: Xâm hại trẻ em không chỉ là xâm hại tình dục hay đánh đập, bạo lực trẻ em, mà các cháu phải hiểu rõ xâm hại là làm tổn thương đến tất cả các quyền của trẻ em.”

images1951223_11__3_.jpgĐại biểu tham gia diễn đàn. Ảnh: Thanh Nga.

Những hành vi xâm hại trẻ em không chỉ bao gồm xâm hại thể chất và xâm hại tình dục mà còn bao gồm cả những hành vi xâm hại, làm ảnh hưởng đến tinh thần và hành vi xao nhãng khi chăm sóc trẻ, không cho trẻ quyền được chăm sóc, yêu thương. Vì thế ngoài việc thường xuyên đánh đập, bạo hành trẻ em, có thái độ sàm sỡ với trẻ thì việc tước đoạt quyền được vui chơi, được học hành của trẻ cũng là xâm hại trẻ em.

“Các cháu cần được nhà trường, tổ chức, và gia đình trang bị những kỹ năng phòng tránh như: cần có thái độ, lên tiếng với các hành vi xâm hại, phản xạ phòng vệ, kêu cứu khi gặp tình huống bất trắc”- ông Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.

Bạn Cao Thành Công ở Yên Thành cho rằng hiện nay các bạn nhỏ chưa được trang bị những lớp học kỹ năng sống để phòng tránh bạo lực và xâm hại trẻ em.

Trả lời ý kiến của em, ông Nguyễn Trọng Bé - Đại diện Sở Giáo dục & Đào tạo thông tin: Việc trang bị  kỹ năng sống cho học sinh lâu nay đã được các nhà trường chú trọng tuy nhiên tần suất của các chương trình này chưa được nhiều. Các cháu cần phải hiểu rằng, tự mình phải trang bị những kiến thức để có khả năng sinh tồn là điều quan trọng nhất.

Em Trương Thuý Quỳnh (Nghi Hoa - Nghi Lộc) băn khoăn về phạm trù của từ "xâm hại trẻ em". Ảnh: Thanh Nga.

Các cháu đừng chơi game nhiều; khi tham gia vào mạng xã hội, chúng ta phải biết cái gì hay để mà học, cái gì xấu mà tránh. Cái hay, cái dở chúng ta đã được thầy cô, bố mẹ, anh chị chỉ cho rồi. Hơn hết, hè này chúng ta hãy tham gia vào các tổ chức đoàn, đội ở địa phương, ở đó các cháu sẽ được trang bị những kỹ năng sống như giao tiếp, ứng xử hay có thể là bơi lội... điều này sẽ giúp ích nhiều cho chúng ta. Tới đây ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh trang bị cho các cháu nhiều kỹ năng sống hơn nữa.

Diễn đàn nóng lên với những câu hỏi: Khi các vấn đề riêng tư bị đưa lên mạng xã hội thì người lớn sẽ bị xử lý như thế nào. Đại diện Sở Tư pháp cho rằng đó là vấn đề đã được quy định trong Luật trẻ em có hiệu lực từ 6/ 2017, đây cũng là điều kiện để trẻ em được bày tỏ với bố mẹ anh chị, thầy cô giáo rằng, khi không có sự đồng ý của trẻ thì thông tin cá nhân của trẻ không được đưa lên mạng xã hội.

Cần có chỗ chơi trong ngày hè

Trẻ em cần được có chỗ chơi trong ngày hè. Ảnh: Internet.

Chia sẻ tại diễn đàn em Nguyễn Thị Thảo Đan - Phường Hà Huy Tập - Thành phố Vinh  mong muốn có một chỗ chơi trong những ngày hè, khi hiện nay có nhiều nơi sân chơi của trẻ đang bị thương mại hoá, biến thành quán cà phê, thành sân bóng mi ni cho người lớn.

Đại diện Sở Văn hoá và Thể thao, đồng chí Hồ Mậu Thanh cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, mỗi xã đã có một sân vận động, một nhà đa chức năng, và những thiết chế văn hoá phụ trợ nên 3 tháng hè các cháu có thể chơi ở những nơi đó. Đối với Thành phố Vinh, còn có những chỗ vui chơi công cộng như công viên Nguyễn Tất Thành, Nhà văn hoá Lao động, công viên Cửa Nam nhưng thấy rất ít các cháu đến chơi chỉ có Quảng trường Hồ Chí Minh là đông vui mỗi tối.

“Vậy nên nói các cháu chưa có chỗ chơi là không đúng mà cần phải nói rằng hiện chưa có nhiều các điểm vui chơi đạt yêu cầu, và điểm vui chơi chật quá, chưa có các thiết bị vui chơi như các cháu mong muốn.

Về ý kiến có những sân chơi bị thương mại hoá, tôi xin được chia sẻ, hiện nay có nhiều phường xã cho doanh nghiệp đầu tư sân đá bóng mi - ni, mà đã cho doanh nghiệp đầu tư thì phải thu phí; đây cũng là điều chúng ta cần trăn trở. Sắp tới tôi sẽ tham mưu cho các địa phương cần mở cửa cho các cháu chơi ở sân bóng này.

Sắp tới Sở Văn hoá cũng sẽ rà soát lại nhà văn hoá cộng đồng, nếu ở đâu chưa đủ diện tích cần bố trí ngay chỗ thích hợp. Thành phố Vinh đã bố trí bằng cách mở cổng trường để các cháu được vào đá bóng, tập thể dục buổi sáng, chơi bóng chuyền, bóng rổ..."

Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em

Việc tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em là nội dung mới của Luật trẻ em. Các vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Trẻ em được quyền tham gia vào các vấn đề của trẻ em thông qua các hình thức diễn đàn, hội nghị, cuộc thi, sự kiện, qua hoạt động của CLB đội nhóm, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng qua kênh truyền thông đại chúng và thông qua nhiều hình thức thông tin khác.

Trẻ em có quyền được chăm sóc nuôi dưỡng. Ảnh: Internet.

Cao Thị Ngọc Bình - đại diện cho trẻ em Quỳ Châu bày tỏ: “Chúng cháu đã biết được Luật trẻ em có sự tham gia của trẻ em vậy chúng cháu được tham gia như thế nào ?” Chị Nguyễn Thị Thơm - Phó Bí thư Tỉnh đoàn trả lời: các em được tham gia ý kiến vào quá trình hoạch định chính sách;  tham gia quyết định các nội dung của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; các chương trình giáo dục đào tạo của cơ sở giáo dục  và tham gia vào biện pháp nuôi dưỡng trong gia đình.

Các em có thể đóng góp ý kiến của mình thông qua các diễn đàn ở các liên, chi đội TNTP Hồ Chí Minh, ở các chi đoàn, thông qua các Câu lạc bộ đội nhóm.

Đối với các vấn đề muốn được tham gia, có thể các em khó nói với người này diễn đàn này thì các em có thể lựa chọn người khác diễn đàn khác. Điều quan trọng là các em hãy mạnh dạn, tự tin và luôn cho rằng mình đã thực hiện đúng quyền trẻ em để được bảo vệ, được chăm sóc và được trang bị những kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại...

Tham gia diễn đàn đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Từ những thông điệp khuyến nghị của các cháu, các ban ngành cấp tỉnh, những người tham gia xây dựng và hoạch định chính sách sẽ lắng nghe tiếp thu, trao đổi và chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của các cháu.

"Thông qua diễn đàn này, tôi rất mong tất cả các tầng lớp nhân dân, tổ chức cộng đồng cùng chung tay hành động nói không với bạo lực, xâm hại trẻ em. Tôi đề nghị các ban ngành, địa phương, nhà trường, gia đình, quan tâm giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề trẻ em đã nêu trong diễn đàn để hạn chế tối đa các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em."

UBND tỉnh đã trao cho 102 em tham dự diễn đàn nhiều món quà ý nghĩa. Ảnh: Thanh Nga.

Các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết, xử lý nghiêm minh các vấn đề xâm hại trẻ em. Đồng thời tăng cường các biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ em, để mỗi em được trưởng thành trong môi trường an toàn, lành mạnh./.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN