(Baonghean) - Suốt 10 năm qua, những bác xe ôm, người bán hàng rong ở ngã ba Yên Lý, huyện Diễn Châu đã thầm lặng cứu giúp những người không may bị tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A. Mới đây, họ được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập hợp lại, thành lập đội sơ cấp cứu đặc biệt. Hỏi về mong muốn, họ bảo, chúng tôi chỉ mong… thất nghiệp, không còn những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại nỗi đau cho bao nhiêu gia đình.
Vội vã lau những giọt mồ hôi sau cuốc xe ôm chở khách, anh Trịnh Văn Phương (SN 1972), thành viên của đội sơ cấp cứu đặc biệt như thường lệ “báo cáo” tình hình giao thông cho thành viên trong đội. Anh Phương cho biết, Quốc lộ 1A chạy qua ngã ba Yên Lý thường xảy ra tai nạn giao thông.
Hơn 10 năm nay, hễ gặp người bị nạn là anh em xe ôm, các chị bán hàng rong lại xúm vào giúp đỡ, sơ cứu đưa đến bệnh viện. Cũng chừng đó thời gian, các thành viên trong đội không đếm xuể đã giúp được cho bao nhiêu người, cũng gặp nhiều kỷ niệm dở khóc, dở cười. Anh Phương tâm sự: “Nghe tin báo trên địa bàn có người bị nạn là chúng tôi có mặt không kể nắng mưa, đêm ngày.
Mỗi lần đưa người bị nạn đi cấp cứu về thì máu của người bị nạn vấy đỏ áo. Đó là chưa kể biết bao nhiêu lần đưa người bị nạn đến viện thì bị người nhà của họ đòi đánh, đòi giết vì bị hiểu lầm là người gây tai nạn. Khi thân nhân người bị nạn bình tĩnh lại mình cũng cười xòa bỏ qua, không trách”. Nhiều người thấy vậy bảo “ôm rơm nặng bụng”, nhưng anh em trong đội vẫn thầm lặng làm việc thiện suốt ngần ấy năm không ngừng nghỉ.
Anh Lê Đức Sơn - Điểm trưởng điểm sơ cấp cứu, đồng thời làm việc tại Đội an ninh Công an xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, anh em hoạt động tự phát với ban đầu là 5 thành viên, sau đó tăng dần lên 20 người, chủ yếu là người bán hàng rong, xe ôm, công an xóm… Khi chưa thành lập điểm, anh em trong đội gặp nhiều khó khăn.
Như hồi tháng 4/2016, một mình anh đi trên đường phát hiện một bé gái bị tai nạn. Chẳng thể chờ người đến giúp, một mình anh một tay lái xe, một tay bế cháu đưa đến trạm xá gần nhất. Trạm xá đóng cửa, anh lại quay ngược trở lại, đưa cháu đến Bệnh viện Phủ Diễn. Tận tay làm thủ tục nhập viện, liên hệ với người nhà rồi cũng chính anh là người quay lại nơi xảy ra tai nạn tìm thẻ bảo hiểm y tế giúp cháu bé.
Ngoài anh Sơn có thu nhập ổn định ở Đội an ninh Công an xã, tất cả 12 thành viên còn lại trong đội sơ cấp cứu đều làm vì cái tâm của mình và không hề có đồng phụ cấp nào. Thậm chí như ông Hoàng Văn Dự, thành viên của đội còn sẵn sàng sử dụng căn nhà mặt tiền quốc lộ của gia đình mình thành trụ sở điểm sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ đầu tiên của tỉnh.
Các thành viên của điểm sơ cấp cứu cũng gặp phải sự can ngăn từ gia đình vì nỗi lo sợ nguy hiểm, lây nhiễm khi cứu người. Nhưng rồi, dần dà chứng kiến những việc làm nghĩa tình, tinh thần giúp người không ngại khó của các thành viên, gia đình bắt đầu thấu hiểu và ủng hộ. Ông Sinh - một thành viên của đội chia sẻ: “Mong mỏi lớn nhất của anh em trong điểm là được… thất nghiệp, không còn tai nạn giao thông, không còn nỗi đau để lại”.
Từ hoạt động tự phát, đến ngày 17/5/2017, điểm sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ đặt tại xã Diễn Yên được chính thức thành lập với 13 thành viên. Từ ngày thành lập điểm, các thành viên được tham gia lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, được trang bị bông băng, thuốc men, thiết bị y tế đầy đủ khiến mọi người thêm phần yên tâm, phấn khởi để tiếp tục với công việc thiện nguyện của mình.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An cho biết, việc thành lập điểm sơ cấp cứu là một phần trong dự án “Xây dựng cộng đồng an toàn trước biến đổi khí hậu và rủi ro thảm họa tại Việt Nam giai đoạn 2015-2017” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Dự án KOICA sắp kết thúc nhưng Hội Chữ thập đỏ tỉnh đang đề xuất và làm việc với Ban An toàn giao thông để duy trì điểm sơ cấp cứu ở xã Diễn Yên, cũng như nhân rộng mô hình này ở nhiều huyện, thành, thị có Quốc lộ 1A đi qua. |
Chu Thanh