(Baonghean) - Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An đến 2020, tầm nhìn 2030, Nghệ An xác định 3 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó khu vực  Vinh - Cửa Lò là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm đó, và Cửa Lò được xác định là một “cực tăng trưởng”.
 
Với tiềm năng lợi thế bãi biển đẹp, các địa danh du lịch lịch sử quan trọng, cùng với định hướng phát triển theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Thị xã Cửa Lò cùng với TP. Vinh đã được xác định là vùng kinh tế nằm trong chiến lược 3 vùng kinh tế trọng điểm của Nghệ An đến 2030. Trong đó dịch vụ và du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Nằm trong vùng trọng điểm, Cửa Lò được xác định chức năng là “cực tăng trưởng”, tức là giải quyết được yêu cầu “đột phá” về mặt kinh tế, phải là đô thị  du lịch biển có sức hút mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng lân cận. Bởi Cửa Lò có bãi biển xanh, sạch vào bậc nhất ở Việt Nam nối dài gần đó với Cửa Hiền, Bãi Lữ, núi Rồng, Hòn Mắt… tạo nên một vùng du lịch khá rộng lớn và cuốn hút du khách nếu được quảng bá đầu tư tốt hơn nữa.
 
images1371758_images945889__ua_thuy_n_t_i_l__h_i_s_ng_n__c_c_a_l_.jpgNhiều hoạt động trong mùa du lịch ở Cửa Lò ngày càng thu hút du khách.
Dải bờ biển này cần sớm được kết nối, gắn với Cửa Lò để thêm tua, tuyến phục vụ và mở rộng không gian du lịch, dịch vụ tiện nghi, thân thiện. Kết nối bằng giao thông thuận lợi, bằng những hình ảnh quảng bá hấp dẫn để du khách khám phá và bằng sự chia sẻ, kết nối của chính các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí của các điểm này.
 
Tiềm năng Cửa Lò không chỉ là du lịch mà còn là dịch vụ. Du lịch biển là trọng tâm nhưng các hoạt động sản xuất - thương mại - dịch vụ liên quan tới du lịch  mới chính là hoạt động “sinh” ra doanh thu và lợi nhuận. Đó là giao thông  hàng không, đường sắt, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, lữ hành, vui chơi giải trí, mua sắm… Cửa Lò có rất nhiều cơ sở dịch vụ kinh tế như Cảng Cửa Lò, Cảng Cửa Hội, các làng nghề chế biến nước mắm, hải sản, cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền, khu dịch vụ hải sản, Nhà máy sữa Vinamilk, sân Golf và các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng đang được thu hút đầu tư. Tất cả đều cần được kết nối với du lịch biển và vì sự phát triển của đô thị biển Cửa Lò.
 
Một ví dụ nhỏ mà chúng tôi quan sát thấy: Du khách Hà Nội rất yêu thích mua sắm tại các làng nghề chế biến hải sản nức tiếng ở Cửa Lò nhưng việc bán được hàng cho du khách liệu đã được tổng kết, đánh giá hàng năm, rút kinh nghiệm và tiếp tục định hướng tìm giải pháp phát triển? Để thu hút du khách, Cửa Lò cần quy hoạch khu vực neo đậu du thuyền, trung tâm thể thao nước (thuyền, lướt ván, lặn biển, các trò chơi dưới nước, bãi tắm, khu vực cắm trại) và các khu du lịch sinh thái. 
 
Bãi biển đẹp là ưu thế hút khách du lịch của Cửa Lò.
Để Cửa Lò có lợi thế cạnh tranh với các bãi biển khác, các khu đô thị biển khác, cần giữ được sự trong sạch của bãi  tắm như lâu nay có thương hiệu. Để làm được điều này, Cửa Lò cần đầu tư hệ thống thoát nước thải hoàn chỉnh và quy mô dọc bờ biển. Bắt buộc các nhà hàng, khách sạn phải dùng nước máy sạch, không dùng nước giếng khoan (hiện tỷ lệ dùng nước giếng khoan chưa nhiều), công tác vệ sinh bãi biển, vùng biển cần thường xuyên hơn chứ không phải theo chiến dịch, theo mùa. 
 
Cảng Cửa Lò trong thời gian tới cần chuyền dần sang Cảng chuyên dụng Container để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo vận chuyển hàng hóa an toàn, chuyên nghiệp và tạo vẻ đẹp cho Cửa Lò. Cửa Lò còn cần thu hút thêm những khách sạn đẳng cấp để đảm bảo đủ chỗ lưu trú cũng nhưng nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó các dịch vụ về tài chính, ngân hàng, bưu chính, Internet, bảo hiểm… ở Cửa Lò cũng cần thuận tiện, đáp ứng nhu cầu du lịch kết hợp với  giải quyết công việc của du khách. 
 
Châu Lan