(Baonghean) - Hồi bé, có một lần trong xóm có nhà bị kẻ trộm đột nhập bị mọi người phát hiện tri hô lên ầm ĩ. Thế là bắt được "thằng ăn trộm", gọi công an đến giải về đồn. Hồi ấy mình có biết "thằng ăn trộm" là ai, mặt mũi méo tròn ra làm sao, chỉ nghe lỏm được các cô các chị trong xóm to nhỏ với nhau:
- Khiếp thật, nó có cả dao trong người!
- Nguy hiểm quá, may mà bắt được thằng ăn trộm!
- Nhìn thấy công an đến giải nó đi, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Mình chân tay quýnh quáng nó vùng lên trốn mất thì nguy to!
Sau "sự kiện" đó, bọn trẻ con xóm mình bày ra trò chơi mới: công an bắt kẻ trộm. Khổ nỗi đứa nào cũng xung phong đòi làm công an, không ai chịu đóng vai kẻ trộm cả. Ngẫm lại, hình như trẻ con đứa nào cũng thần tượng các chú công an và ít nhất một lần thầm mơ lớn lên được khoác trên mình màu áo xanh đáng tự hào ấy...
Sau này lớn lên, biết được "chú công an" không chỉ bắt kẻ trộm, mà "bắt" tất cả những ai vi phạm luật pháp. Nghĩa là không loại trừ... mình. Nói ra thì xấu hổ, nhưng có lần mình đã bị tuýt còi ở ngã tư vì dám vượt đèn đỏ. Cũng là một kỷ niệm nhớ đời, nhưng mình thừa nhận lỗi sai thuộc về mình - không chấp hành luật lệ an toàn giao thông. Bởi mình biết có nhiều người vẫn xem việc bị xử phạt vì lỗi này hay lỗi khác là một việc gì đó phiền toái và bất công. Lý do của họ là "Tại sao anh này, chị nọ cũng như vậy, mà lại phạt tôi?", từ sự bực dọc, khó chịu đó dẫn đến thái độ, suy nghĩ thiếu thiện cảm với các đồng chí cảnh sát, công an đang thi hành nhiệm vụ.
Thử tưởng tượng một ngày không có lực lượng an ninh, lực lượng vũ trang, liệu những sự "phiền toái" đó có biến mất? Hay là tất cả sẽ tha hồ làm những gì mình thích một cách vô tội vạ? Đường phố sẽ không còn quy tắc luật lệ. Giấc ngủ hàng đêm liệu có an lành khi kẻ trộm mặc sức tung hoành? Và vô vàn tệ nạn, thói hư tật xấu khác sẽ không còn bị ai kiểm soát nữa. Liệu chúng ta có thực sự muốn sống trong một xã hội tự do đến mức bừa bãi như vậy?
Cuộc sống ngày càng hiện đại, đồng nghĩa với việc chúng ta ngày càng quen với những tiện ích sẵn có mà quên đi rằng bản chất của nhiều sự vật, sự việc không phải tự nhiên và vốn dĩ đã như chúng ta nhìn thấy. Trật tự xã hội, sự bình ổn - đó là trạng thái "bất tự nhiên", nhất định phải có sự can thiệp của con người mới lập nên và duy trì được. Thế nên khi nhìn nhận và đánh giá một sự việc, một con người, đừng chăm chăm nhìn vào những mặt chưa tốt, những trường hợp cụ thể để đánh đồng tất cả, xem nhẹ sự đóng góp to lớn nhưng thầm lặng của họ cho cuộc sống này. Mình chợt nghĩ đến vụ cháy nổ ở Thiên Tân, Trung Quốc và một mâu thuẫn mà giới truyền thông nêu lên: Lực lượng cứu hỏa Trung Quốc chịu nhiều tổn thất nhưng đồng thời, chính họ lại là một trong những tác nhân dẫn đến vụ nổ. Thật ra mình thấy họ đáng được thông cảm và tôn vinh hơn, bởi sai lầm của con người là điều khó tránh khỏi, nhất là khi sai lầm ấy không đi kèm sự cố ý chủ đích. Có lẽ trước khi chúng ta trách cứ họ, hay là bất kỳ ai trong xã hội này, nên chăng đặt ra câu hỏi: nếu một ngày không có những con người ấy, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao?
Hải Triều