Sáng 27/11, các Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn.
Mở đầu buổi tiếp xúc, Đại biểu Lê Quang Huy thông báo tới cử tri những nội dung cơ bản trong kỳ họp vừa diễn ra.
Tại hội nghị, các cử tri xã Bình Sơn cho biết, thực hiện Quyết định 22 của Chính phủ về việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, xã có 58 trường hợp được phê duyệt. Tuy nhiên, từ khi có Quyết định 22 từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn xã phát sinh một số nhà xuống cấp, cần phải làm mới và tu sửa tiếp. Vì vậy, cử tri mong muốn được Chính phủ quân tâm hỗ trợ tu sửa, làm mới nhà để đảm bảo ổn định cuộc sống.
Về đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, Bình Sơn là một trong những xã có đường giao thông khó khăn nhất của huyện Anh Sơn. Cử tri mong muốn được nâng cấp tuyến đường từ ngã 3 Cây Khế (xã Thành Sơn), đi Tân Kỳ qua địa phận xã Bình Sơn; tiếp tục phân bổ nguồn vốn để hoàn thiện tuyến đường Bình Sơn đi Thọ Sơn; tuyến đường cứu hộ cứu nạn Sông Con đã thi công dang dở từ nhiều năm qua, khiến người dân khó khăn trong đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Cử tri huyện Anh Sơn cũng băn khoăn về dự án hồ chứa nước Bản Mồng. “Quốc hội có nghị quyết cho chủ trương tiếp tục thực hiện nữa hay không? Các công trình thủy lợi vùng hạ lưu hồ chứa nước bản Mồng có được xây dựng nữa hay không? Nếu có thực hiện thì 2 trạm bơm điện tại xã Bình Sơn khi nào mới được xây dựng”, cử tri xã Bình Sơn đặt câu hỏi.
Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc, các cử tri cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét và nâng phụ cấp hàng tháng cho cán bộ cấp phó đoàn thể ở xã và cán bộ thôn bản vì sau khi sáp nhập, địa bàn rộng, đi lại khó khăn.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri, đại diện các ngành, lãnh đạo địa phương và Đại biểu Quốc hội đã trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề. Đặc biệt, về dự án hồ chứa nước bản Mồng, Đại biểu Lê Quang Huy cho biết, dự án này được triển khai năm 2009, nhưng đến năm 2011 phải tạm dừng vì lý do Chính phủ có quyết định cắt giảm đầu tư công.
Năm 2017, sau khi dự án được tiếp tục bố trí vốn để chuẩn bị triển khai thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa tổng rà soát lại diện tích đất sử dụng. Đặc biệt là đất rừng, vì lúc này diện tích rừng phòng hộ nâng lên là 312,95 hecta. Chính vì thế, dự án phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công.
“Dự án này phải dừng lại để trình Quốc hội vì phải chuyển đổi mục đích rừng lớn quá, hơn 1.000 hecta. Trong kỳ họp vừa diễn ra, Quốc hội đã phê duyệt. Và tôi tin chắc rằng, thời gian tới, Chính phủ sẽ có nguồn lực đầu tư. Và các trạm bơm ở Bình Sơn cũng sẽ được triển khai. Mong bà con yên tâm”, đại biểu Lê Quang Huy nói.
Với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, dung tích chứa 225 triệu m3, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng không chỉ là công trình tưới tiêu thủy lợi cho trên 18.000 ha đất sản xuất và dân sinh, mà còn là công trình phục vụ sản xuất thủy sản, du lịch, môi trường, phòng chống lũ…