Đồng chí Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn. Cùng dự có đồng chí Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Làm việc với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT, Tư pháp và các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu.
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Dự án gồm 4 hợp phần. Theo thiết kế khu vực nước ngập của lòng hồ được xác định tại cao trình +76,4m.
Sau khi ngăn nước và xây dựng hệ thống tưới đập chính Bản Mồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ ảnh hưởng đến một phần diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các loại đất khác của 3 huyện và 7 xã, thị trấn: huyện Nghĩa Đàn (xã Nghĩa Mai), huyện Quỳ Hợp (xã Yên Hợp), huyện Quỳ Châu (thị trấn Tân Lạc, xã Châu Hạnh, xã Châu Hội, xã Châu Nga, xã Châu Bình) và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là các xã: Xuân Hòa, Thanh Hòa của huyện Như Xuân.
Tổng diện tích rừng phải chuyển đổi là 1.131,23 ha (Nghệ An: 544,78 ha; Thanh Hóa: 586,45 ha). Bao gồm: 316,19 ha rừng phòng hộ; 679,5 ha rừng sản xuất và 135,53 ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Thực hiện chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, tỉnh Nghệ An đã thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan. Đồng thời, thành lập Hội đồng Thẩm định hồ sơ trình chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.
Sau khi thẩm định, Hội đồng đề nghị làm rõ thêm sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch và kế hoạch sử dụng rừng; Làm rõ nguồn gốc sử dụng đất của 135,53 ha rừng ngoài quy hoạch.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, hiện UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì thẩm định hồ sơ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Tuy nhiên, đến nay công tác thẩm định chưa hoàn thành, vì nhiều sở, ngành chưa có ý kiến góp ý.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, vướng mắc lớn nhất trong hồ sơ trình theo Nghị định số 83/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ là nội dung “Sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa”. Tại Nghệ An, hiện số liệu về cao trình mực nước dâng và số liệu rừng xin chuyển đổi của dự án chưa có sự thống nhất.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đóng góp, trao đổi nhiều ý kiến về công tác xây dựng hồ sơ của tỉnh, đồng thời đề nghị tỉnh Nghệ An khẩn trương tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, bởi thời gian thực hiện không còn nhiều.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, đây là công trình cấp bách, nếu không thực hiện đúng tiến độ sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT đề nghị tỉnh Nghệ An đẩy nhanh công tác GPMB trên tinh thần đúng hiện trạng, phạm vi rà soát là toàn bộ công trình, không chỉ cho giai đoạn 1 mà cả giai đoạn 2, bao gồm diện tích rừng trong quy hoạch và đã đưa ra ngoài quy hoạch.
Đồng thời, tỉnh Nghệ An phải phối hợp chặt chẽ hơn với tỉnh Thanh Hóa để sớm hoàn thiện hồ sơ; Bộ NN&PTNT sẽ đôn đốc, hỗ trợ 2 tỉnh. Công tác này phải hoàn thành sớm, trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây.