Congo sắp xây công trình thủy điện "lớn nhất thế giới" với nhà thầu từ Trung Quốc trong dự án trị giá 14 tỷ USD đang gây quan ngại cho giới bảo vệ môi trường, theo báo chí quốc tế.

 
3_uvdz.jpg?width=670Ảnh minh họa.

Đập thủy điện trên sông Congo dự kiến có công suất bằng 20 nhà máy điện nguyên tử nhưng sẽ “tàn phá toàn bộ hệ sinh thái” trong vùng và khiến 60 nghìn người dân phải di dời, theo trang The Guardian ở Anh hôm 28/5.

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) cho hay họ sẽ duyệt dự án ngay tại thác Inga trên một nhánh của dòng Congo để xây công trình thủy điện 4800 MW.
 
Nếu tiến hành, các công trình này có thể cung cấp điện năng trong vòng 3-4 năm tới.
 
Nhưng đập thủy điện dự kiến có tầm vóc “lớn nhất thế giới” chỉ là bước đầu.
 
Theo một số trang web vận động về môi trường, tiếp theo công trình Inga 3, người ta sẽ biến toàn bộ dòng Congo, con sông có dòng chảy lớn thứ nhì thế giới, thành nguồn thủy điện trong dự án 100 tỷ USD.
 
Theo tổ chức phi chính phủ chuyên về sông ngòi, International Rivers, đóng ở California, Hoa Kỳ, các dự án này sẽ cung cấp 40% điện năng cho cả châu Phi, nhưng “có thể vi phạm một loạt luật cấp quốc gia và quốc tế về phát triển”.
 
Xây nhiều thủy điện
 
Hai tập đoàn điện lực Trung Quốc có tên trong danh sách nhà thầu sẽ được chọn để xây công trình Inga 3.
 
Chính tập đoàn Tam Hiệp từng xây đập Tam Hiệp (Three Gorges) ở Trung Quốc, và tập đoàn Sinohydro được mời tham gia.
 
Giới vận động môi trường nói điều này nếu xây ra “sẽ chỉ tổn hại tiếng tăm của các công ty xây đập thủy điện Trung Quốc về góc độ tác động môi trường của họ”, theo báo chí trích lời ông Peter Bosshard từ International Rivers.
 
Nhưng cũng có tin chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các tập đoàn thủy điện nước họ không tiến hành công việc xây đập nếu không có bản đánh giá tác động môi trường (EIA).
 
Đây không phải là dự án thủy điện duy nhất do nhà thầu Trung Quốc thực hiện tại châu Phi mà hiện gặp phản đối.
 
Hai công ty Trung Quốc, Sinohydro và China Water (CWE) đã ký hợp đồng xây đập Isimba ở Uganda.
Công trình này do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank) chi tiền cho dự án này mà hiện đang bị khiếu kiện.
 
Tin đầu tháng 6/2016 cho hay tổng thống Yoweri Museveni đã tạm ngưng chức vụ cho ba quan chức Bộ năng lượng Uganda khi có cuộc điều tra về hai dự án liên quan đến đập Isimba và đập Karuma.
 
Hiện có đơn kiện lên tòa thượng thẩm Uganda nêu rằng việc cung cấp nguồn tài chính cho hai dự án này là "trái luật", theo trang AllAfrica.com.
 
Hôm 9/05, một luật sư là Henry Kyalimpa đã nhân danh quyền lợi công chúng để đệ đơn lên tòa án tại Kampala buộc tội trưởng công tố Uganda, công ty điện lực Uganda (UEG) và ba đối tác Trung Quốc gồm hai công ty Sinohydro, CWE và ngân hàng EXIM Bank về các thủ tục cung cấp ngân khoản cho các dự án thủy điện.
 
Theo Bizlive