Trong bối cảnh an ninh thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, Mỹ tiếp tục hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu vũ khí.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt trong nhiều thập kỷ với Việt Nam. Với lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, Việt Nam có thể sẽ gia nhập danh sách các quốc gia mua sắm vũ khí từ Mỹ, theo CNN.
Mỹ hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm tới 33% doanh thu từ thị trường vũ khí toàn cầu. Vậy những quốc gia nào nhập khẩu khí tài nhiều nhất từ siêu cường này?
Arab Saudi là khách hàng đáng chú ý hơn cả của Mỹ trong giai đoạn 2011-2015, theo nghiên cứu về các giao dịch mua sắm vũ khí kể từ năm 1968 do Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) thực hiện. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là nước nhập khẩu vũ khí Mỹ lớn thứ hai thế giới.
Các khách hàng còn lại trong top 10 nước/vùng lãnh thổ nhập khẩu vũ khí Mỹ gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Australia, đảo Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Singapore, Iraq và Ai Cập.
Giới chuyên gia cho rằng khu vực Trung Đông với những cuộc chiến chưa có hồi kết sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Mỹ trong thời gian tới. Khu vực này hiện chiếm 40% giá trị xuất khẩu vũ khí Mỹ.
"Những quan ngại sâu sắc về an ninh và một tương lai bất ổn mà khu vực có thể đối diện thậm chí còn lớn hơn nỗi lo về việc giá dầu giảm sâu thời gian qua", ông Andrew Hunter thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế bình luận. "Những quốc gia trong khu vực này ưu tiên chi tiêu cho quốc phòng hơn là các lĩnh vực khác".
Các nhà thầu quốc phòng Mỹ đang xuất khẩu hàng loạt mặt hàng, từ vũ khí hạng nhẹ đến máy bay chiến đấu, xe tăng hay tên lửa hành trình Patriot.
Việc nhiều quốc gia châu Á có mặt trong top đầu danh sách phản ánh một thực tế là những căng thẳng hiện tại với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này cùng những hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng đang ám ảnh khu vực, bình luận viên Curtis Brown, Ryan Browne và Zachary Cohen từ CNN đánh giá.
Cho vay tiền mua vũ khí
Trong khi hầu hết các quốc gia tự sử dụng nguồn tiền của mình để mua vũ khí thì một số nước được Washington cho vay tiền hoặc hưởng các ưu đãi khi mua khí tài Mỹ theo chương trình "Hỗ trợ Tài chính cho Quân đội Nước ngoài".
Ngân sách cho chương trình nằm dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao Mỹ này trong năm tới có thể lên đến 5,7 tỷ USD.
Cân đối ngân sách năm 2017 cho thấy 5 quốc gia nhận hỗ trợ quân sự lớn nhất từ Mỹ gồm Israel (3,1 tỷ USD), Ai Cập (1,3 tỷ USD), Jordan (350 triệu USD), Pakistan (265 triệu USD) và Iraq (150 triệu USD).
Nguồn hỗ trợ quân sự cho châu Phi năm 2017 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2016 do những mối lo ngại về các hoạt động khủng bố tại châu lục này, điển hình là ở các nước như Mali, Somalia và Nigeria.
Theo ông Hunter, các công ty quốc phòng Mỹ đã thể hiện rõ mong muốn tăng cường bán vũ khí trong bối cảnh Washington liên tục cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng.
Ông Marillyn Hewson, giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin, phát biểu trong một sự kiện truyền thông hồi tháng ba, nhấn mạnh: "Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng xuất khẩu vũ khí trong những năm tới sẽ đến từ các thị trường nước ngoài".
Bên cạnh Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp hay Đức cũng là những nhà xuất khẩu vũ khí lớn và cạnh tranh ngày càng gay gắt với Mỹ.
Trung Quốc đã gia tăng thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu với tốc độ tăng trưởng trên 60% trong giai đoạn từ năm 2006 - 2010, theo nghiên cứu của SIPRI.
Lĩnh vực Bắc Kinh đầu tư mạnh là công nghệ không người lái. Trung Quốc đã bán máy bay không người lái tới Nigeria, Iraq và Pakistan. Ngoài ra, các loại vũ khí giá rẻ của Trung Quốc cũng là lợi thế lớn của nước này khi chào hàng tại những quốc gia không có nguồn ngân sách quốc phòng dồi dào.
"Càng ngày sẽ càng có nhiều vũ khí Trung Quốc xuất hiện tại các cuộc triển lãm nhằm cạnh tranh với Mỹ", chuyên gia Hunter đánh giá.
Theo VNE