Thiếu nguồn kinh phí, thị trường biến động
Những ngày này, anh Nguyễn Văn Kỳ, xóm 3, xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) đang bận rộn với công việc chăm sóc đàn gà 6.000 con của gia đình. Anh Kỳ chia sẻ: “Tôi vay mượn người thân gần 600 triệu đồng đầu tư nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt là mưa, lũ và dịch bệnh đã khiến gia đình bị thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, gà dù được đầu tư, chăm sóc tỉ mỉ nhưng đầu ra còn hạn chế, chưa thể liên kết được với các đơn vị bao tiêu, chủ yếu là bán lẻ nên nguồn thu năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng…”.
bna_a43621041_22122020.jpgHội Nông dân tỉnh trao gà giống cho các nông dân gặp khó khăn do thiên tai. Ảnh: Thanh Tâm

Ông Phạm Hồng Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Hưng Nguyên cho biết: Nếu như các năm trước, mỗi năm chúng tôi hỗ trợ khoảng 14 mô hình gà và 6 mô hình lợn cho các xã trọng điểm về chăn nuôi trên địa bàn huyện thì năm 2020, việc hỗ trợ này bị hạn chế.

Bên cạnh nguồn kinh phí hạn hẹp thì thiên tai, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hỗ trợ cho các hộ gia đình. Cụ thể, hiện nay trên thị trường, giá lợn giống, gà giống đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2019; giá vật tư, thức ăn chăn nuôi cũng tăng lên đáng kể, không những thế, nhiều người dân chưa dám tái đàn vì hiện dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm vẫn đang tiềm ẩn.

Việc hỗ trợ các mô hình chăn nuôi an toàn đang gặp khó khăn do giá con giống và vật tư tăng lên quá cao. Ảnh: Quang An

Còn tại phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò), các đơn vị chế biến, kinh doanh hải sản cũng đang trải qua một năm làm ăn gian khó. Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang I có 84 hội viên, là đơn vị sản xuất nước mắm lâu năm, có thương hiệu trên thị trường và việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quy trình sản xuất luôn được các hội viên đặt lên hàng đầu.

Mặc dù vậy, trong năm 2020, nguồn thu của làng nghề bị sụt giảm nghiêm trọng (gần 50%) do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhiều hộ dân phải tạm ngừng sản xuất, cắt giảm nhân công mới có thể đảm bảo chi phí vận hành, hàng hóa bị ứ đọng. Không những thế, thời tiết trong năm 2020 diễn biến thất thường, xuất hiện nhiều cơn bão đã khiến việc đi biển của ngư dân bị gián đoạn nhiều lần, nguồn nguyên liệu để nhập cho làng nghề cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại xã Diễn Trung, địa phương có truyền thống nuôi tôm trên địa bàn huyện Diễn Châu những năm trở lại đây, nhiều mô hình nuôi tôm sinh học được áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc bắt tay vào xây dựng mô hình này cũng gặp không ít khó khăn. 
Nuôi tôm sinh học cần đầu tư chi phí lớn, kỹ thuật nuôi trồng cao. Ảnh: Quang An

Ông Ngô Xuân Đại ở xóm 4, xã Diễn Trung cho biết: Việc nuôi tôm sinh học đòi hỏi nguồn kinh phí ban đầu lớn, người chăn nuôi phải trang bị các kiến thức canh tác mới nên một số hộ gặp khó khăn trong việc tiếp thu.

Bên cạnh đó, hiện nay các chế phẩm sinh học và chất cải tạo môi trường nuôi tôm cũng tràn lan trên thị trường với nhiều chủng loại khác nhau, mức giá khác nhau. Đặc thù của việc nuôi tôm là chỉ cần sai một công đoạn là có thể mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, nên chúng tôi phải đối mặt với những rủi ro rất cao nếu mua phải các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Không chỉ lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất mà việc trồng các loại rau, củ, quả an toàn cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong thực tiễn. Một số hộ dân chưa nhận thức sâu sắc về việc sản xuất nông sản an toàn nên vẫn có trường hợp thực hiện sai quy trình, dẫn đến chất lượng rau, củ không được đảm bảo. Tình trạng được giá bán lẻ ra ngoài, không tuân thủ hợp đồng ký kết với các đơn vị bao tiêu vẫn còn xảy ra.
Bên cạnh đó, mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng đầu ra của rau, củ, quả, thực phẩm an toàn vẫn còn hạn chế, việc kết nối được với các đơn vị, doanh nghiệp chưa nhiều, chất lượng rau an toàn trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính cạnh tranh so với các vùng rau nổi tiếng trên cả nước…
Ngoài ra, chính người tiêu dùng cũng chưa trang bị kiến thức cho chính bản thân làm thế nào nhận diện được rau an toàn và rau không an toàn; tâm lý muốn mua rau đẹp, xanh mướt, giá rẻ vẫn còn xuất hiện rất phổ biến khiến nông sản an toàn chưa có chỗ đứng vững trên thị trường.
Đồng hành cùng người dân
Việc xuất hiện nhiều thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, và các mô hình sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. 
Để đồng hành cùng người nông dân, các cơ sở sản xuất, Hội Nông dân Nghệ An đã có những chương trình, hành động cụ thể để giúp bà con phần nào vượt qua khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao quà cho cán bộ, hội viên, nông dân xã Thanh Xuân. Ảnh: Quang An
Đầu tháng 12/2020, Hội Nông dân tỉnh đã trao tặng hàng ngàn con gà giống DABACO cho 59 hộ chăn nuôi thuộc 9 xã của huyện Hưng Nguyên gồm: Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Đạo, Hưng Thông, Hưng Phúc, Hưng Lĩnh, Châu Nhân, Xuân Lam, Long Xá. Đây là những hộ bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, bà con vô cùng phấn khởi, nhất là trong điều kiện giá gà giống đang ở mức cao, người dân không có điều kiện để tái đàn.
Tại xã Diễn Trung (Diễn Châu) nhận biết được sự khó khăn của các hộ dân khi thực hiện mô hình nuôi tôm sinh học, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ các hộ dân vay vốn để đầu tư ao hồ, con giống. Tại các mô hình trồng trọt, chăn nuôi các thực phẩm còn lại, các cấp hội nông dân luôn đồng hành, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn bà con thực hiện đúng các bước kỹ thuật để có những sản phẩm tốt nhất ra thị trường, bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về việc sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn luôn được các cán bộ hội nông dân chú trọng, phổ biến thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.
Không chỉ quan tâm, chỉ đạo công tác sản xuất, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An còn chỉ đạo các cấp hội tại cơ sở tăng cường giao lưu, liên kết với các đơn vị, các doanh nghiệp, các siêu thị trong và ngoài tỉnh để giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản an toàn, tăng thêm thu nhập./.