Nghệ An hiện có 4.735 ha cam, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 3.450 ha, sản lượng cam thu hoạch năm 2021 ước đạt 60.000 tấn. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người sản xuất cam đầu tư áp dụng công nghệ cao, áp dụng VietGAP, GlobaGAP, bao bì, nhãn mác...
Từ chủ trương khuyến khích của tỉnh, nhiều doanh nghiệp, HTX, người trồng cam đã chuyển hướng xây dựng các vườn cam hữu cơ, sinh thái, hướng tới phát triển bền vững, cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, như trang trại cam Vi Hằng (Thanh Đức, Thanh Chương), trang trại cam Vinh Kỳ Yến (Minh Hợp, Quỳ Hợp)...
100% diện tích cam trồng tại Nghệ An đã được các cơ quan quản lý nhà nước triển khai các biện pháp quản lý ATTP như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, ký cam kết ATTP, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt…; sản phẩm tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cam Vinh cũng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với các giống cam Xã Đoài, cam Vân Du, cam Sông Con, cam V2 nằm trong khu vực 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An.
Là sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Nghệ An, thời gian qua, sản phẩm cam Vinh đã được người tiêu dùng cả nước đón nhận và đánh giá cao. Từ nỗ lực của tỉnh, các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng cam chủ động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước, đến nay cam Vinh đã được tiêu thụ tại các siêu thị lớn BigC; Winmart, Lottee,… các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; bán qua các hội chợ thương mại; các nhà vườn bán đại lý các tỉnh, bán online qua mạng, sàn thương mại điện tử…
Tuy nhiên, việc tiêu thụ qua thương láiđịa phương thu mua để bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh vẫn đang là chủ yếu, chiếm khoảng 75-80%, giá trị không cao và tiềm ẩn nhiều bất cập. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nhà máy chế biến nước quả nhưng đều chưa sử dụng nguyên liệu cam; cam Vinh chủ yếu đang bán ra thị trường dưới dạng ăn quả tươi, ép nước uống.
Đặc biệt, thời gian gần đây, một số tỉnh như Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… cũng đã phát triển diện tích trồng các giống cam Vinh như Xã Đoài lòng vàng; V2; Vân Du, gây nên tình trạng cạnh tranh khá quyết liệt. Người tiêu dùng khó phân biệt được cam Vinh trồng tại Nghệ An và cam Vinh trồng tại các tỉnh khác.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ cam Vinh
"Chúng tôi tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc sở tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất các kiến thức trong trồng trọt, BVTV; quy trình quản lý ATTP; tem nhãn, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng quy định nhà nước và người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Đệ cho hay.
Đồng thời, tạo điều kiện để các nhà máy chế biến sản phẩm từ trái cây trên địa bàn đầu tư, liên kết sản xuất cam nguyên liệu phục vụ chế biến; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hútcác doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cam; cũng như khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, hộ sản xuất đầu tư chế biến các sản phẩm bánh kẹo, tinh dầu, mứt... từ nguyên liệu quả cam, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP để đa dạng sản phẩm đồng thời nâng cao giá trịchuỗi sản phẩm cam.
Tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ cam Vinh được tổ chức ngày 26/11 tại thành phố Vinh, với sự có mặt trực tiếp của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các sàn thương mại điện tử, siêu thị, chuỗi cửa hàng, và sự tham gia trực tuyến của lãnh đạo Bộ Công thương, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam…; đông đảo các nhà phân phối, bán lẻ, các doanh nghiệp và đại diện nhiều tỉnh thành trên cả nước; không chỉ cam Vinh sẽ được giới thiệu, quảng bá, mà một số hợp đồng tiêu thụ sẽ được ký kết.
”Các địa phương cũng cần tăng cường chỉ đạo, giám sát sản xuất, chất lượng cam; phối hợp chặt chẽ để quản lý, chỉ đạo sản xuất, bảo đảm ATTP, xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nhãn mác, tem truy xuất để nâng cao thương hiệu cam Vinh, giới thiệu đến người tiêu dùng trong cả nước các sản phẩm chất lượng. Người trồng cam, ngoài việc sản xuất sản phẩm chất lượng, hoàn chỉnh sản phẩm từ sản xuất, bao gói, dán nhãn,... còn phải tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để kết nối nhanh, sớm nhất với người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ.
Tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ cam Vinh, Nghệ An cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cơ quan liên quan trung ương và các tỉnh tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nông sản Nghệ An nói chung và cam Vinh nói riêng tại thị trường trong và ngoài nước. Đề nghị các tập đoàn kinh doanh, các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong cả nước hỗ trợ quảng bá cũng như tạo điều kiện để sản phẩm cam Vinh được tiêu thụ trong hệ thống.