Với những thuận lợi đó, Công ty CP Mía đường Sông Lam mạnh dạn đầu tư dự án trồng chè nguyên liệu và chế biến chè chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Phát triển vùng nguyên liệu bền vững
Phát triển vùng nguyên liệu là điều kiện quan trọng quyết định đến sự thành công của dự án sản xuất chè, bởi vậy Công ty CP Mía đường Sông Lam đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực này. Theo đó, bằng những cách làm linh hoạt, công ty nhận bàn giao 295 ha chè của Xí nghiệp chè Tháng Mười; Liên kết, hợp tác với Tỉnh đoàn xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua tại vùng chè thuộc Tổng đội 1 Thanh Chương và Tổng đội 8 Kỳ Sơn với diện tích khoảng 465 ha... Bởi vậy, hiện nay Công ty CP Mía đường Sông Lam đã phát triển vùng nguyên liệu chè hơn 760 ha tại các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông, Kỳ Sơn.
Kiểm tra công tác lắp đặt dây chuyền chế biến tại Nhà máy chè Sông Lam. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Một trong những điều kiện thuận lợi khi phát triển vùng nguyên liệu là người dân nơi đây có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư, chăm sóc cây chè, nên thuận lợi khi tuyên truyền, vận động bà con tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, năng suất chè.
Ông Nguyễn Khánh Hồng – Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Lam cho biết: “Với năng suất chè bình quân đạt 16 tấn/ha/năm thì chỉ tính riêng diện tích chè do Công ty quản lý và hợp tác (760 ha) thì sản lượng chè tươi bước đầu đáp ứng được 70% công suất thiết kế của nhà máy. Đặc biệt, với sự định hướng của Công ty trong việc đầu tư, chăm sóc diện tích chè Tuyết San LD97 tại Tổng đội 8 Kỳ Sơn, Công ty sẽ sản xuất chè đặc sản chất lượng cao”.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường chè xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ, Công ty đã và đang từng bước xây dựng quy trình chăm sóc, thu hái theo tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế Rainforest Alliance (RA) và tiêu chuẩn UNILEVER. Công ty tổ chức thu mua nguyên liệu đảm bảo chè luôn tươi, chất lượng tốt và khi thu hoạch Công ty đã khảo sát, tổ chức tập huấn khuyến nông về công tác thu hoạch cho bà con về quy trình cũng như thời gian và số lượng thu hoạch của nhà máy, tránh tình trạng thu hoạch chè quá non hoặc quá già làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của chè búp, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây chè...
Vùng chè nguyên liệu tại huyện Anh Sơn. Ảnh: PV Mặc dù mới đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến chè, nhưng Công ty CP Mía đường Sông Lam tạo được dấu ấn rất quan trọng, đó là sau khi tiến hành sản xuất thí điểm trà Matcha ở huyện Anh Sơn thuộc Dự án JICA Nhật Bản tại Nghệ An, Công ty CP thực phẩm Econuti đã đề nghị Công ty CP Mía đường Sông Lam tiếp tục thực hiện dự án sản xuất Tencha (Tencha là tên của những lá trà được sử dụng làm trà Matcha - một loại bột trà xanh nổi tiếng của Nhật Bản).
Vừa qua, Công ty CP Mía đường Sông Lam và Công ty CP thực phẩm Econuti đã hợp tác sản xuất trà Tencha theo công nghệ Nhật Bản tại huyện Anh Sơn. Theo đó, Công ty CP Mía đường Sông Lam cung cấp nguyên liệu là chè xanh để sản xuất Tencha (có quy mô gần 40 ha chè nguyên liệu). Dự án quan trọng này, sẽ góp phần nâng cao giá trị cây chè ở Anh Sơn, đồng thời tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến chè, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng cao...
Hiện tại, Công ty đã hợp đồng với Đoàn Quy hoạch nông nghiệp và thủy lợi Nghệ An nhằm mục đích nhận được những tư vấn về các phương án phát triển vùng nguyên liệu chè. Đồng thời sẽ đưa ra chính sách đầu tư cho bà con về khoa học - công nghệ, kỹ thuật canh tác, thu hái, đào tạo cho bà con áp dụng quy trình chăm sóc, thu hoạch theo chương trình tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư phân bón, giống chè phù hợp với thổ nhưỡng cho năng suất cao và chất lượng tốt như LDP1, HP1, ở vùng cao Kỳ Sơn sử dụng giống chè Tuyết San LD97 để sản xuất chè đặc sản chất lượng cao. Đặc biệt, Công ty sẽ khoanh vùng diện tích nguyên liệu theo giống chè, sản lượng để có kế hoạch thu hoạch phù hợp, đáp ứng công suất thiết kế của nhà máy.
Công nghệ chế biến hiện đại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
Với nhu cầu nhập khẩu chè rất lớn và giá trị kinh tế cao của thị trường Mỹ và EU, nhưng với yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng rất cao và hệ thống quản lý chất lượng nghiêm ngặt để thâm nhập được vào thị trường này đòi hỏi các nhà sản xuất chè phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng của các tổ chức chất lượng quốc tế như (RA) Rainfrest Alliance, Unilever... Đây là định hướng chiến lược của Công ty đang xây dựng.
Công ty CP Mía đường Sông Lam quyết tâm trong quý IV2019 sẽ hoàn thành Nhà máy chè Sông Lam. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Và một trong những việc làm thiết thực đáp ứng yêu cầu đó, là đầu tư dây chuyền sản xuất bằng công nghệ hiện đại, Công ty CP Mía đường Sông Lam đã chọn đầu tư Dự án Nhà máy chè Sông Lam với công suất 130 tấn chè búp tươi/ngày, công nghệ hiện đại, đảm bảo các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu. Theo đó, nhà máy được lắp đặt 3 dây chuyền sản xuất chính là dây chuyền sản xuất chè xanh (gồm có 2 dây chuyền) công suất 40 tấn chè búp tươi/ngày; Dây chuyền sản xuất chè Orthodoc, công suất 40 tấn chè búp tươi/ngày và dây chuyền chè đen CTC (gồm 2 dây chuyền), công suất 50 tấn chè búp tươi/ngày.
Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, Dự án Nhà máy chè Sông Lam triển khai đúng tiến độ và dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động vào quý IV/2019. Nhà máy chè Sông Lam sẽ hoạt động theo mô hình sản xuất khép kín từ khâu thu mua, sản xuất đến khâu chế biến, bảo quản, đóng gói và xuất hàng. Để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm Công ty sẽ ký kết hợp đồng nguyên tắc với các doanh nghiệp và đối tác tiêu thụ nước ngoài cam kết bao tiêu sản phẩm. Bước đầu Công ty cũng đã có những buổi làm việc trực tiếp với đơn vị tiêu thụ chè trong nước và đối tác nước ngoài như: Đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Nghệ An và Công ty CP chè Mỹ Lâm...”.
Chu Ngọc Tú - Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Lam