(Baonghean) - Để nâng cao hiệu quả vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh phát triển và hội nhập, Công ty CP mía đường Sông Lam thực hiện nhiều cơ chế, chính sách mới. Trong đó, năng động, đổi mới hình thức tái đầu tư, liên kết chặt chẽ tạo vùng nguyên liệu ổn định.
Chăm lo vùng nguyên liệu
Bắt đầu bước vào vụ ép 2016 - 2017, thời tiết diễn biến xấu, mưa hầu như xuyên suốt cả vụ nên khó khăn cho việc cấp mía, điều xe vận tải. Nhiều tuyến đường giao thông trong vùng nguyên liệu xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là đường nội đồng. Cùng đó, việc thu hoạch mía của nông dân chưa tuân thủ theo cấp lệnh nên có nơi nông dân tự đốn chặt khi chưa có lệnh, tình trạng mía đen, đỏ, giảm chất lượng, điển hình ở Thung Coong, Thành Sơn, Thạch Ngàn (Con Cuông).
Dù vậy, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty, sự đoàn kết, phối hợp và hỗ trợ kịp thời của các phòng, ban và toàn thể cán bộ, công nhân viên đã tạo cho nhà máy vụ ép an toàn. Công tác kiểm tu thực hiện tốt, thời gian dừng máy do sự cố thiết bị khá thấp (chiếm 2%). Lực lượng lao động hợp đồng thời vụ đăng ký làm việc khá nhiều, nên việc bố trí nhân lực đầu mùa ép rất thuận lợi. Tổng diện tích mía đứng đạt trên 1.000 ha, tổng sản lượng mía đạt 61.000 tấn, năng suất mía bình quân đạt 53,3 tấn/ha. Công suất ép thực tế đạt trên 749 tấn/ngày, đường kính nhập kho đạt trên 6.000 tấn. Chữ đường bình quân đạt 10.22 CCS, cao hơn năm trước, hiệu suất ép đã tăng lên đáng kể 93,78% so với 93,04% năm ngoái. Đặc biệt, năm vừa qua công ty đã đưa hơn 3.000 tấn mía giống mới về nhân rộng toàn vùng mía. Đây cũng là năm thứ 2, đơn vị thực hiện việc quản lý dữ liệu và điều hành thu hoạch bằng hệ thống máy tính đảm bảo tính chính xác, nhanh gọn trong thanh toán tiền mía.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, công ty chú trọng khắc phục, làm tốt công tác bảo vệ môi trường; đầu tư hàng trăm tỷ đồng đưa vào ứng dụng dây chuyền thiết bị sản xuất tiên tiến bậc nhất châu Âu, như dây chuyền sản xuất chế biến đường, dây chuyền sản xuất phân vi sinh và dây chuyền sản xuất cồn. Hệ thống xử lý nước thải môi trường khu sản xuất được đầu tư trên 15 tỷ đồng với việc đồng bộ khu xử lý nước thải, xử lý khói lò, xử lý khu vực sản xuất phân vi sinh. Các hệ thống này được vận hành và phát huy hiệu quả khá tốt, giúp công ty hoàn thành đề án sản xuất sạch đúng tiến độ.
Kiên trì mục tiêu phát triển
Với mục tiêu đảm bảo cho công suất nhà máy hoạt động theo thiết kế đủ 3.000 tấn/ngày sau năm 2020 thì diện tích trồng mía cho Công ty phải đảm bảo từ 5.500 - 6.000 ha. Nhưng hiện nay quỹ đất cho phát triển mía nguyên liệu ở Anh Sơn lại quy hoạch cho cả 2 nhà máy đường Sông Lam và Sông Con. Trong khi đó, nhiều địa phương không quyết tâm với quy hoạch trồng mía. Mặc dù công ty đã ký cam kết về đầu tư và giá thu mua theo hợp đồng, song còn tồn tại tình trạng bà con chạy theo lợi nhuận và phá vỡ quy hoạch. Cùng đó, đầu ra cho sản phẩm đường hiện đang chịu sự cạnh tranh của nhiều nhà máy, kể cả hệ thống đường nhập lậu, khiến tình trạng kinh doanh của nhà máy đối mặt với nhiều vấn đề và thiếu ổn định.
Khi bàn về những giải pháp mang tính đột phá để đảm bảo cho mục tiêu phát triển, ông Chu Ngọc Tú - Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Lam đề xuất: “Để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, canh tác bằng cơ giới hóa trên các cánh đồng mẫu lớn thì phải đầu tư máy công suất lớn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ nông dân thực hiện việc dồn điền, đổi thửa và vốn vay ưu đãi trong sản xuất mía. Về phía chính quyền cần có giải pháp hợp lý trong cấp phép đầu tư cho các nhà máy sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Tránh trường hợp để người dân chạy theo các loại cây trồng khác nhau mà hiệu quả không cao, nguyên liệu cho các nhà máy lại dễ rơi vào tình trạng thiếu ổn định”.
Cũng theo ông Tú, Hội đồng quản trị công ty đã có những chính sách đầu tư phù hợp cho vùng nguyên liệu như mời các chuyên gia mía đường giúp nâng công suất, hiệu quả sản xuất tại nhà máy, tiết kiệm chi phí sản xuất, kiểm tra dây chuyền thiết bị nhằm tránh thất thoát, giúp thu hồi sản phẩm cao hơn, đào tạo cán bộ nông vụ, tiếp tục đổi mới dây chuyền để nâng công suất. Cùng đó, công ty chú trọng đưa giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, thực hiện việc cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch, đầu tư thâm canh phân bón, tạo nên nhiều cánh đồng nguyên liệu mẫu lớn.
Công ty CP Mía đường Sông Lam đặt mục tiêu đến năm 2020, đơn vị có khoảng 2.000 - 2.200 ha mía đứng, năng suất mía bình quân đạt 60 - 65 tấn/ha, sản lượng mía kinh doanh đạt 120.000 - 140.000 tấn mía cây, trên 20% diện tích trồng mía của công ty có ứng dụng công nghệ cao; tạo việc làm cho 300 lao động trực tiếp tại nhà máy và hàng ngàn hộ nông dân trong vùng nguyên liệu mía. |
Lương Mai