(Baonghean.vn) - Những ngày cuối năm 2016, không khí lao động, sản xuất từ vùng nguyên liệu đến Nhà máy Mía đường Sông Lam đang rất khẩn trương, nhộn nhịp. Người dân các xã vùng nguyên liệu mía ở Anh Sơn tấp nập thu hoạch vụ cũ, xuống giống cho vụ mới. CBNV Nhà máy mía đường Sông Lam cũng hoạt động hết công suất để có một vụ ép 2016 - 2017 bội thu, phấn đấu để niên vụ tới sẽ đạt sản lượng 100 - 120 nghìn tấn/ vụ.

images1786430_7.jpgNông dân vùng mía nguyên liệu (Hùng Sơn, Anh Sơn) đang tất bật thu hoạch vụ mía cuối năm 2016. Năng suất mía tại vùng đồng Nương Thần (xóm 5), Vệ Năng (xóm 6) đạt 52 tấn /ha (tăng 4 tấn/ ha so với niên vụ trước).
Nông dân xóm 6 (Hùng Sơn) phấn khởi năm nay năng suất cao, giá cả ổn định. Hiện tại, nhà máy thu mua mía giống với giá 1.150 đồng/tấn, mía thịt 900 nghìn đồng/tấn, mức nhà máy bảo hộ giá cho nông dân tại ruộng là 850 nghìn đồng/tấn.
Cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Mía đường Sông Lam đang hướng dẫn người dân vùng Bãi Mơ cách xuống hom mía đúng quy trình. Vùng Bãi Mơ ven sông Lam có diện tích 70 ha, trước đây chỉ chuyên canh cây ngô, mỗi năm 3 vụ; thu nhập chỉ đạt 30 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2017 là năm đầu tiên bà con chuyển 30 - 40 ha từ trồng ngô sang trồng mía. Thu nhập từ mỗi ha mía đạt chừng 130 triệu đồng.
Đội ngũ kỹ thuật của Nhà máy Mía đường Sông Lam đang áp dụng thí điểm trồng mía niên vụ 2016 - 2017 bằng máy đa chức năng Belarut tại vùng đất rộng 12 ha thuộc Bãi Mơ. Mỗi hecta được xuống giống bằng máy, chi phí sản xuất sẽ giảm 2 triệu đồng và thời gian sản xuất nhanh hơn 10 lần so với làm thủ công. Khi sử dụng máy để xuống giống, mía sẽ được cắt thành đoạn đều 30m, mỗi hom mía có từ 2 -3 mắt ; tỷ lệ sống đạt 90%. Nhà máy đang đưa giống mía mới LK9211 của Thái Lan với các ưu điểm như không trổ cờ, không bị nhiễm bệnh chồi cỏ... vào sản xuất. Hiện tại nhà máy duy trì đầu tư giống, phân bón, tiền làm đất trị giá 38 triệu đồng/ha cho nông dân; trong đó, nhà máy cho vay 24 triệu đồng.
Tấp nập những chuyến xe chở mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy.
Mía được chuyển lên goòng, băng tải vào khu vực phay nhỏ.
Mía đã phay nhỏ đang được bộ phận kỹ thuật vận hành, xử lý đưa vào ép.
Công đoạn xử lý nước mía trước khi chuyển sang nấu được thực hiện bằng hệ thống máy móc hiện đại.
Hệ thống cô đặc nước mía của Nhà máy Mía đường Sông Lam hiện có công suất 1.500 - 2.000 tấn/ngày.
Anh Lê Công Thành (bộ phận nấu đường) cẩn thận kiểm tra mẫu tinh thể hạt đường, hàm lượng, phẩm chất, theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Thành phẩm đường kính trắng được đưa ra từ băng chuyền. Từ đây, đường của Nhà máy Mía đường Sông Lam sẽ đến với khách hàng muôn nơi. Để đạt mục tiêu đạt sản lượng ép 120 nghìn tấn trong niên vụ tới, nhà máy đang đưa các giống mới như QĐ93-159 và giống LK92-11 vào trồng tại các xã ven sông ở Đỉnh Sơn, Hùng Sơn, Cẩm Sơn...Trước đó, các giống mía mới đưa xuống Hoa Sơn đã thành công với 100 ha ổn định và đang tiếp tục triển khai trên diện tích 50 ha.

Trần Hải
 

TIN LIÊN QUAN