(Baonghean) - Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong tuy ngắn ngủi, chưa đầy 40 năm (1902-1942) nhưng đã nêu tấm gương sáng ngời về khí tiết người cộng sản và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Ngay từ năm 1924, người thanh niên nông thôn và công nhân cần lao đã nhạy bén và gan góc cùng 10 thanh niên khác bất chấp gian khổ nguy hiểm sang Thái Lan, sau đó sang Quảng Châu (Trung Quốc) để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tìm đường cứu nước. Sau khi tổ chức Tâm Tâm xã, còn gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn được thành lập, Lê Hồng Phong nhanh chóng trở thành 1 trong 9 hạt nhân của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng. Nét tiêu biểu là trong thời gian ở độ tuổi thanh xuân này, khi được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu, cử đi học thì đồng chí đều học tập hết mình để sau này phụng sự Tổ quốc (đồng chí đã học Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Không quân Quảng Châu, Trường không quân Liên Xô; là học viên xuất sắc của Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản). Tất cả những kiến thức lý luận học tập được đã được đồng chí vận dụng sáng tạo vào đường lối và phương pháp cách mạng sau này cho đất nước. Đồng thời, đồng chí cũng nêu tấm gương sáng cả về tinh thần yêu nước gắn với tinh thần quốc tế vô sản (tham gia Hồng quân Liên Xô với cấp bậc Trung tá Không quân).

Cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Những năm 1931-1932, khi phong trào cách mạng trong nước ta bị đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu gây tổn thất cho Đảng, nhất là vùng Xô viết Nghệ - Tĩnh. Trong tình hình cơ sở Đảng bị vỡ hầu hết, những người yêu nước bị bắt bớ tù đày, người dân hoang mang ở tiền đồ lý tưởng, thì đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng một số đồng chí khác ở hải ngoại tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng trong nước khôi phục dần phong trào dưới ánh sáng chương trình hành động của Đảng.

781032_small_80888.jpg

Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở xã Hưng Thông, Hưng Nguyên.
                                                                                    Ảnh: Sỹ Minh.

Từ tháng 6/1932, bản Chương trình hành động của Đảng được Quốc tế Cộng sản công nhận. Từ đó, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập do đồng chí Lê Hồng Phong làm thư ký (Bí thư). Trên thực tế, Ban Chấp hành Trung ương trong nước bị phá vỡ, gần như bị tê liệt, nên Ban Chỉ huy hải ngoại đã có vai trò kiêm Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Ban có nhiệm vụ liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản bạn; tổ chức lại công tác đào tạo cán bộ cho đất nước, ra Tạp chí Bônsơvích - cơ quan lý luận của Trung ương Đảng, tập hợp và phục hồi các cơ sở đảng, chuẩn bị triệu tập Đại hội Đảng lần thứ nhất… Tất cả những nhiệm vụ đó được hoàn thành là nhờ sự cố gắng chung, nỗ lực của tập thể, nhưng vai trò của đồng chí Lê Hồng Phong có ý nghĩa quan trọng, quyết định.

Vai trò cá nhân của đồng chí Lê Hồng Phong càng thể hiện rõ từ ngày 16 đến ngày 21/6/1934, trong Hội nghị Ban chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức đảng ở trong nước được tổ chức (gồm có các đồng chí: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, Nguyễn Văn Tham và Trần Văn Chấn) thông qua được Nghị quyết Chính trị và Nghị quyết Về các vấn đề tổ chức. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để tháng 3/1935, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ nhất thành công. Tầm lý luận và phẩm chất cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong những năm tháng này được thể hiện rõ ở sự tín nhiệm cao của các yếu nhân trong Đảng ta và đã nhất trí bầu đồng chí làm Tổng Bí thư của Đảng, và tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII cũng đã bầu đồng chí làm Ủy viên Ban Chấp hành.

Vai trò của đồng chí Lê Hồng Phong càng nổi bật hơn nữa trong những năm 1936 – 1939. Với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí cùng một số đồng chí trong Trung ương Đảng ta đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng (tháng 7/1936) tại Thượng Hải. Hội nghị này đã quyết định chuyển hướng mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng nước ta, xác định mục tiêu trực tiếp là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đế quốc, đòi dân chủ, dân sinh và hòa bình. Kẻ thù chủ yếu trước mắt lúc này của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai; theo đề nghị của Lê Hồng Phong, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương, đặt tiền đề cơ sở cho cao trào đấu tranh dân chủ diễn ra trong cả nước thời gian sau đó.

Không chỉ hoạt động đóng góp về lý luận đường lối ở nước ngoài mà từ tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về nước cùng lăn lộn hoạt động thực tế với các cơ sở tại Sài Gòn và trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng. Thời gian này, mặc dù người bạn đời của đồng chí là Nguyễn Thị Minh Khai cũng đã về nước, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, nhưng hai vợ chồng vẫn sống cách xa nhau, chấp hành kỷ luật của Đảng cùng bí mật hoạt động, đặt lợi ích của tổ chức Đảng trên lợi ích gia đình.

Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Trung ương, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuyển Mặt trận Nhân dân phản đế thành Mặt trận Dân chủ nhằm tập hợp đông đảo quần chúng, tranh thủ mọi lực lượng tham gia vào cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận, đòi dân sinh, dân chủ và chống phát xít. Nhờ sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đúng và sự thực hiện nghiêm túc sáng tạo khi có nghị quyết, mà phong trào đấu tranh trong nước được phục hồi, Đảng ta có điều kiện tập dượt quần chúng đấu tranh, nhất là ở thành thị - Đây là cuộc tổng diễn tập lần thứ 2, để khi thời cơ đến giành chính quyền như đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn sau này đã đánh giá, tổng kết.

Tiếc thay, mọi hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong bị bọn mật thám theo dõi ráo riết. Ngày 22/6/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Do chưa đủ chứng cứ, chúng kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Sau khi hết hạn 6 tháng tù giam, chúng buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để theo dõi, giám sát. Tháng 1/1940, Lê Hồng Phong lại bị bắt lần thứ 2 và đưa vào giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp đã buộc tội đồng chí “chịu trách nhiệm tinh thần” của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo và chỉ thị cho bọn chúa đảo phải tìm mọi cách hãm hại.

Tại đây, một lần nữa đồng chí Lê Hồng Phong đã nêu một tấm gương sáng tuyệt vời về ý chí bất khuất của người Cộng sản. Trong bối cảnh hàng nghìn đảng viên đang bị tra tấn dã man trong các nhà tù để quốc, thì tấm gương bất khuất, giữ vững chí khí chiến đấu của đồng chí Lê Hồng Phong thật sự có vai trò hết sức to lớn. Nó tiếp sức đấu tranh, giữ vững niềm tin của các đồng chí vào lý tưởng của Đảng. Trong những ngày bị biệt giam trong hầm đá, hoặc trong Banh II, nơi giam giữ tù cộng sản, kẻ thù luôn tìm cách hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong, hòng làm nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Có lần đồng chí vừa bưng bát cơm lên ăn thì bọn cai ngục xông vào đánh túi bụi. Bát cơm của đồng chí bị nhuộm đỏ do máu chảy từ đầu, từ mặt rớt vào, nhưng đồng chí vẫn thản nhiên, tiếp tục ngồi ăn “bát cơm chan máu”, với quyết tâm phải sống để “còn sống còn chiến đấu”. Những trận đòn tàn ác, dã man, liên tục đó làm Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức, đồng chí đã vĩnh biệt anh em, đồng chí vào trưa ngày 6/9/1942. Trước lúc đi xa, đồng chí còn nhắn lại: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

 Câu nhắn nhủ ấy của đồng chí Lê Hồng Phong hiện nay càng có ý nghĩa sâu sắc, làm cho mỗi chúng ta không thể không suy nghĩ một cách nghiêm túc khi mà như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ tham nhũng, lãng phí tùy tiện, vô nguyên tắc”.

Ôn lại những đóng góp to lớn và tinh thần xả thân vì lợi ích của Đảng và dân tộc của đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong có tác dụng để những đảng viên suy thoái tự điều chỉnh mình; đối với những đồng chí đảng viên tâm huyết, nhất là những người đứng đầu, lại có tấm gương soi, tri ân và làm theo các vị tiền bối; đối với mỗi một cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thì việc tưởng nhớ đến công lao và tư cách cao cả, trong sáng, gương mẫu của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong càng tạo thêm niềm tin tưởng ở những người đảng viên cộng sản chân chính hết lòng vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng.


Tô Hồng Hải