(Baonghean)- Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên cáo về Nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế. Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/ SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Ngày 2/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ.TTg lấy ngày 14/5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”. 

images1542812_122.jpgLãnh đạo Sở Công Thương kiểm tra tại Công ty may Namsung Vina.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, để thích hợp với nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, Bộ Công Thương đã được thay đổi tổ chức với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng vẫn trong khuôn khổ nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền công nghiệp và thương mại nước nhà.

Ngành đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt nên công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng trưởng nhanh, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà.

1- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 34.140 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 15,4%/năm, trên mức bình quân chung cả nước; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 31,7% năm 2010 lên 32,5% năm 2015.
 
2- Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá năm 2015 đạt 38.505 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 15,34%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 655 triệu USD, giai đoạn 2011- 2015 tăng bình quân 11,14%/năm, vượt mục tiêu đề ra. 
 
Công tác quản lý thị trường đã được tăng cường, góp phần ổn định giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng.
 
3- Công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp, thương mại được quan tâm, phát triển nhanh:
 
- Về khu công nghiệp tập trung: Hiện nay có 1 khu kinh tế và 10 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 22.000 ha, thu hút nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư có thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế như: Tập đoàn VSIP, Massan, Royal Food, BSE, Vinamilk, TH, Habeco, Sabeco, Nhựa Tiền phong, Tôn Hoa Sen, Xi măng The Vissai,... 
 
- Về cụm công nghiệp: Hiện có 33 CCN với tổng diện tích 578,4 ha, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó lĩnh vực dệt may của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Hanosimex,… rất hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. 
 
- Về hạ tầng thương mại: Cơ sở hạ tầng thương mại ngày càng phát triển và hoàn thiện, hiện nay trên địa bàn có 405 chợ, 4 trung tâm thương mại, 39 siêu thị, trên 500 cửa hàng xăng dầu, hệ thống tổng kho, bến bãi được đầu tư, nâng cấp…
 
4- Nghệ An đã trở thành một trong những địa phương sản xuất và cung cấp điện cho quốc gia: Đã có 10 dự án thủy điện vận hành với tổng công suất phát điện 708,5 MW. Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 đã khởi công xây dựng với công suất 1.200 MW. Hệ thống phân phối, truyền tải điện được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp, 100% số xã có điện lưới quốc gia,  đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và an ninh năng lượng quốc gia.
 
Với những thành tích đó, ngành Công Thương Nghệ An đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Nhiều tập thể và cá nhân trong ngành được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; Ngoài ra, ngành còn được Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh tặng nhiều Cờ luân lưu, Huy chương, Bằng khen các loại…
 
Bước vào thời kỳ hội nhập sâu, rộng về kinh tế khu vực và thế giới, ngành Công Thương Nghệ An thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức. Về mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại tỉnh Nghệ An 5 năm 2016 - 2020 phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) bình quân 2016 - 2020 đạt 11%; trong đó công nghiệp tăng 17%.
 
Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt 228.663 tỷ đồng, trong đó công nghiệp đạt  78.757 tỷ đồng. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa đến năm 2020 đạt 90.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 2016 - 2020 đạt 14,5%.  Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 1.200 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đến năm 2020 đạt 1.000 triệu USD, góp phần xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trung tâm về thương mại, công nghiệp công nghệ cao… của vùng Bắc Trung bộ.
Sản xuất tại Nhà máy Tôn Hoa Sen tại KCN Nam Cấm. Ảnh: Hoàng Vĩnh
 
Để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, ngành Công Thương Nghệ An sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp  sau:
 
1- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách phát triển ngành Công nghiệp và Thương mại phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại.
 
2- Tổ chức nghiên cứu xây dựng và triển khai các đề án, chương trình thực hiện kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII kịp thời, hiệu quả.
 
3- Tiếp tục tham mưu đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng điện, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, kho tàng, bến bãi...  phục vụ kịp thời kêu gọi các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
 
4- Tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
 
5- Đổi mới mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trên tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương. 
 
6- Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo thị trường lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân và quyền lợi người tiêu dùng.
 
7- Phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xu thế phát triển chung của nền kinh tế. 
 
Hoàng Văn Tám  
(Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Công Thương)