Kết quả kinh doanh quý I/2016 được công bố cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến tiếp tục ảnh hưởng tới lợi nhuận các ngân hàng thương mại cổ phần.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là trường hợp tiêu biểu nhất cho câu chuyện trên. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016, Eximbank đạt 921 tỷ đồng thu nhập từ lãi thuần, tăng 3%. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng chỉ còn vỏn vẹn 24 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 415 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận Eximbank "rơi tự do" đến từ việc ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 337 tỷ đồng trong kỳ, khoản chi phí chưa có trong cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối năm 2015, Eximbank đã bán 6.230 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, từ năm 2016, theo định kỳ hàng quý, ngoài việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Một ông lớn khác có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến trong quý I/2016 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
BIDV ghi nhận 5.639 tỷ đồng từ lãi thuần, tăng 23%. Tuy nhiên việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 1.990 tỷ đồng tăng gấp 2 lần, khiến lợi nhuận ròng chỉ còn 1.682 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 của BIDV cho thấy, mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để mua lại nợ xấu của BIDV là 20.836 tỷ đồng và ngân hàng đã dự phòng trái phiếu đặc biệt 2.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng thuộc trường hợp chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc tăng chi phí dự phòng khi trích lập dự phòng 168 tỷ đồng trong quý I/2016, gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Vì vậy, dù SHB ghi nhận 473 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 119% so với mức 216 tỷ đồng của cùng kỳ nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kéo lợi nhuận xuống còn 244 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2016, SHB mới thực hiện được gần 23% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Lũy kế đến cuối năm 2015, SHB cũng đã bán 7.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và mới trích lập dự phòng 464 tỷ đồng cho trái phiếu đặc biệt này.
Mặc dù ở các ngân hàng Vietcombank, VietinBank và MBBank chi phí dự phòng rủi ro tín dụng vẫn còn khá cao nhưng đã có xu hướng giảm.
Trong 3 tháng đầu năm, VietinBank trích lập dự phòng 1.441 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 1.510 tỷ đồng của cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 1.923 tỷ đồng. Tương tự, Vietcombank trích lập 1.305 tỷ, đạt lợi nhuận sau thuế 1.840 tỷ đồng và MBBank trích lập 239 tỷ đồng và đạt 706 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Theo VAMC, lũy kế từ năm 2013 đến hết năm 2015, tổng nợ xấu VAMC đã mua là 245 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc với số trái phiếu phát hành là 207 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo đánh giá triển vọng ngành ngân hàng của CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) công bố đầu tháng 4/2016, lợi nhuận cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do áp lực trích lập dự phòng rủi ro cao tại nhiều ngân hàng, Việc trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC có thể sẽ tăng mạnh trong hệ thống vào năm 2016 sau khi lượng trái phiếu VAMC phát hành lũy kế tăng gần gấp đôi trong năm 2015.
Theo zing.vn