Nếu đánh giá trên những con số báo cáo tổng kết chung khoảng 15 năm trở lại đây, thì công tác giảm nghèo là "ấn tượng” - Ước tính đã có khoảng 28 triệu người thoát nghèo. Thế nhưng, nếu đánh giá một cách độc lập, thì thấy tốc độ giảm nghèo của nước ta đang bị chậm lại. Đáng lo ngại hơn là có bộ phận người nghèo đang trở thành "nghèo kinh niên”, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời, đã xuất hiện nhiều dạng nghèo mới gắn với quá trình đô thị hóa và di cư.
Tỷ lệ cận nghèo có xu hướng tăng
Tại Hội nghị Các đối tác đầu tư nước ngoài CG 2011 diễn ra đầu tháng, các đối tác phát triển của Việt Nam đã bày tỏ quan ngại khi có gần một nửa trong số những đối tượng được coi là "nghèo kinh niên” (47,3%) của Việt Nam là những nhóm dân tộc thiểu số, và con số này đang tăng: 63% những đối tượng nghèo nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên bố về giảm nghèo tại Việt Nam của Hội nghị này cũng cho thấy, mặc dù từ nhiều năm trước, Chính phủ đã đầu tư nguồn tài chính đáng kể vào những chương trình mục tiêu cho các vùng nghèo, vùng núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng dễ nhận thấy là các chương trình giảm nghèo tại đây không được thành công như đối với các nơi, vùng khác.
Không những thế, theo nhận định của cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, thành công của Việt Nam trong công tác giảm nghèo có khả năng sẽ gặp phải nhiều thách thức mới. Còn Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, tốc độ giảm nghèo đang có xu hướng chậm lại, trong khi đó tỷ lệ hộ cận nghèo lại có xu hướng gia tăng.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, Việt Nam đã có khoảng 28 triệu người
thoát nghèo. Ảnh minh họa: Hoàng Long
Đặc biệt gần đây đã xuất hiện dạng nghèo mới gắn với quá trình đô thị hóa và di cư từ nông thôn ra thành thị. Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng, cái nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, nhưng những năm qua, do quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, sự di cư của người dân từ nông thôn ra các khu đô thị cũng ngày một lớn, dẫn đến thực tế là đã tạo ra các dạng nghèo mới, những dạng nghèo này khó phân biệt hơn và có thể bị bỏ sót từ các cuộc thống kê về nghèo. Những đối tượng này phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng, bao gồm tiếp cận với nhà ở, vệ sinh, dịch vụ và hội nhập xã hội.
Những điều này khiến chúng ta đặt câu hỏi ngược lại là phải chăng các công cụ và cơ chế của Nhà nước được áp dụng từ trước đến nay cho mục đích giảm nghèo đã tới điểm giới hạn? Rõ ràng, đã đến lúc cần có các biện pháp tiếp cận sáng tạo hơn, hiệu quả hơn - Những khó khăn mà cộng đồng các dân tộc thiểu số đang phải đương đầu cần được hiểu thấu đáo hơn, từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp và sáng tạo. Ví dụ, các yếu tố xã hội học và văn hóa cần được xem xét kỹ lưỡng. Đặc biệt là những rào cản đối với quá trình phát triển phải được chính các cộng đồng dân tộc thiểu số nhận thức rõ hơn, không chỉ qua cái nhìn của người ngoài cuộc. Những cộng đồng này phải tham gia không chỉ như những người hưởng lợi một cách thụ động, mà là những nhân tố cho sự phát triển của chính họ. Các đổi mới có thể là giáo dục song ngữ và cung cấp tài chính trực tiếp cho các cộng đồng địa phương...
Các biện pháp giảm nghèo
Để giải quyết hiệu quả "nghèo kinh niên” và nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số, theo các nhà tài trợ quốc tế, cần một nỗ lực dài hạn. Đại diện Ủy ban châu Âu tại Việt Nam nhận định: Thực tế đang tồn tại khoảng cách rất lớn về thu nhập, chất lượng đời sống của người dân giữa khu vực nông thôn và thành thị, đặc biệt là giữa người dân vùng duyên hải và vùng sâu trong đất liền. Ở thời điểm kinh tế trong và ngoài nước khó khăn, có nhiều biến động như hiện nay, để tiếp tục mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các vùng, miền, Chính phủ phải đưa ra được chính sách bảo hiểm, an sinh xã hội thật sự tốt, triển khai thực hiện đồng bộ và có sự phối kết hợp nhịp nhàng, xuyên suốt, triệt để thay vì những biện pháp rời rạc và mang tính tạm thời.
Đối với nhóm người nghèo gắn với quá trình đô thị hóa và di cư từ nông thôn ra thành thị, thực tế họ vẫn chưa được đưa vào các cuộc khảo sát trên phạm vi cả nước, do chuẩn nghèo được sử dụng hiện nay chưa được điều chỉnh phù hợp với tỷ lệ lạm phát, và những người di cư ngắn hạn không có đăng ký tạm trú không được coi là đối tượng khảo sát. Đại diện Nhóm 4 nước phương Tây gồm Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ đề nghị Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là đối với nhóm nghèo riêng lẻ và đáp ứng nhu cầu của nhóm dễ bị tổn thương. Chính phủ cũng cần có đánh giá đúng mực sự đóng góp về mặt kinh tế của nhóm người di cư từ nông thôn ra thành thị đối với sự phát triển kinh tế, trên cơ sở đó có chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Ở thời điểm hiện tại, do có nhiều khó khăn, rào cản khiến nhóm người tạm trú ở khu vực thành thị này không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội chất lượng.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều đối tác tài trợ cho rằng, Việt Nam cần bảo đảm: Ở thành thị hay nông thôn, tất cả người nghèo phải được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản và phù hợp với khả năng bao gồm cả y tế và giáo dục. Ông David Shear - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định: Kinh tế Việt Nam có tốc độ phát triển tốt, nhưng cùng đó sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa các nhóm trong xã hội, mức độ tiếp cận với các dịch vụ chất lượng trong xã hội Việt Nam lại là vấn đề đáng lo ngại. Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp để chất lượng của các dịch vụ cũng như khả năng để người dân tiếp cận được các dịch vụ này tăng trưởng cùng nhịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hiện tại nhịp tăng trưởng này đang có sự chênh nhau.
Bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và nhiều đối tác phát triển khác khuyến nghị, Việt Nam nên áp dụng các phương thức đo lường nghèo đa chuẩn, đồng thời điều chỉnh chuẩn nghèo chính thức theo từng năm để làm cơ sở cho xác định đối tượng trợ cấp xã hội. Chính sách xã hội hóa hiện tại của Chính phủ cũng cần được rà soát lại, việc thực thi cần có sự tham gia nhiều hơn của các thành phần ngoài nhà nước và phi lợi nhuận trong việc cung cấp dịch vụ. Chính phủ có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc điều tiết, giám sát và đảm bảo chất lượng và thu hút sự tham gia của công dân vào việc giám sát các dịch vụ xã hội.