(Baonghean.vn) - Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 là thời điểm các hộ làm nghề đóng thùng tôn ở Yên Thành (Nghệ An) tích cực sản xuất để phục vụ nhu cầu cất trữ lúa sắp vào vụ gặt của bà con nông dân.
Nghề làm thùng tôn đựng lúa ở xã Viên Thành xuất hiện cách đây gần 20 năm, trong khoảng 5 năm trở lại đây nghề này phát triển mạnh, hiện có gần 10 hộ gia đình đầu tư làm thùng tôn tạo việc làm cho gần 100 lao động. Nghề đóng thùng tôn tuy chỉ là nghề phụ nhưng hiện là công việc hái ra tiền cho nhiều hộ dân ở Viên Thành. Để làm ra một bộ thùng tôn đựng lúa, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn: cắt tôn ra thành từng vành, vào thép, bẻ hai đầu vành, ghép hai đầu vành lại thành hình tròn, ép vành tôn tạo vành cho chắc, ghép các vành tôn lại thành thùng, làm đáy, làm nắp đậy và cửa. sau đó lắp ráp các vành lại rồi lắp thêm đáy thùng. Gia đình ông Bùi Văn Đài (ở xóm 5) là một trong những hộ làm thùng tôn có quy mô lớn. Năm nay gia đình ông làm khoảng 5.000 thùng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, vào giai đoạn cao điểm có 10 – 12 lao động. Mỗi năm gia đình ông thu nhập 100 triệu đồng từ nghề làm thùng tôn. Mội bộ thùng tôn có chiều cao từ 1,5m đến 1,6m, đựng được 6 -7 tạ lúa. Với lợi thế nhỏ gọn, giá cả phù hợp, thùng tôn đang dần trở thành vật dụng trong mỗi gia đình nông dân. Gia đình ông Bùi Văn Ngạn đã sử dụng máy vào thép và máy ép vành, góp phần tăng năng suất lao động. Tuy nhiên các công đoạn đều không thể thiếu bàn tay của con người. Nếu như trước đây người dân chủ yếu dùng sập gỗ, cót tre để đựng lúa thì nay đã được thay thế bằng thùng tôn. Nhờ vậy nghề đóng thùng tôn cũng có thêm thu nhập. Một bộ thùng tôn xuất cho thương lái với giá 350.000 đồng. Đến tận tay người dân có giá 600 – 700.000 đồng. Hiện thùng tôn đựng lúa của Viên Thành không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn được thương lái đưa vào tận Hà Tĩnh. Hiện mỗi năm các hộ làm nghề đóng thùng tôn sản xuất trên dưới 30.000 bộ. Lan Thái – Hồng Nhung