(Baonghean.vn) - Đối với những cần thủ chuyên nghiệp, sự thành bại của một buổi đi câu phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật làm mồi câu. Ngoài cần câu “xịn”, địa điểm tốt, kinh nghiệm nhìn nước thì mồi câu đóng vai trò rất quan trọng để dụ cá. Nó được giới đi câu xem như một nghệ thuật đích thực không phải ai cũng làm được.
Đã gắn bó với thú đi câu gần 6 năm, anh Nguyễn Chí Cường (Khối 4, phường Đông Vĩnh) cho rằng mồi câu quyết định gần như 60% sự thành công của một buổi đi câu. Với mỗi loại cá, mỗi điểm câu có công thức làm mồi khác nhau. Nếu như cá trắm đen thích những mồi nhiều chất đạm, loài giáp xác thì cá chép thích đồ thơm, ngọt và cá trôi thích đồ chua… do đó cần khéo léo chọn thành phần và tỷ lệ hòa trộn mồi câu.
Thông thường các thành phần chủ yếu để làm mồi gồm có giun, ốc, gan mèo, tôm, thóc mầm, ngô, thính… Những chất này sẽ tạo mùi cùng độ kết dính để dụ cá, tất nhiên tùy vào từng loại cá cụ thể để chọn vị và mùi phù hợp. Ví như cá trắm đen thích ốc, cua, trai nghiền hòa trộn với bột khoai, thính... thì cá mè "hạp" với các loại mồi có tính hòa tan cao cùng với ngô, khoai ủ chua; cá trôi lại thích mùi hôi nên cần phải ủ cua, ốc, trứng cho tới khi dậy mùi.
Đó là công thức chung được đại đa số cần thủ áp dụng, tuy nhiên rất nhiều người sau một thời gian ban đầu dùng các loại mồi truyền thống phổ thông trên thì họ bắt đầu nghiên cứu một số gia vị đặc biệt mà chỉ họ mới biết, chúng được xem như một "bí kíp" riêng để cho vào thành phần cốt.
Câu hỏi đặt ra là sử dụng mồi câu như thế nào cho hiệu quả luôn được các cần thủ đặt ra hàng đầu. Theo kinh nghiệm của các cần thủ có tiếng "sát cá" thì khi đến câu ở một hồ nào đó ,cần phải nghiên cứu trước xem các cần thủ câu ở đó bằng mồi gì là phổ biến? Hồ cho câu lâu chưa? Những loại cá nào đang có dưới hồ?
Nếu như hồ câu mới khai trương hoặc mới cho câu chưa đầy tháng thì làm mồi thường cũng bắt được cá. Tuy nhiên với hồ đã cho câu lâu rồi,thì cần làm bài mồi khác với các cần thủ thường dùng câu tại đó mới bắt được cá bởi vì cá đã quá quen với các vị mà mọi người đã dùng trước đó.
Các cần thủ mới đi câu hay câu được cá tại hồ cũ bởi cá là loài khá tính khôn và phản xạ có điều kiện. Một khi đã biết mùi, vị đó có thể gây nguy hiểm đến chúng thì sẽ cảnh giác và tránh xa. Lúc này các bài thính gia truyền thường mới phát huy được tác dụng bởi những vị đặc biệt riêng có của nó sẽ rất hiệu quả để dụ cá trong những hồ này.
Khi thả mồi câu muốn hiệu quả thì cần biết chọn địa điểm phù hợp, chỗ mặt nước trống trải thường không có cá, vì vậy nên thả câu ở những nơi cây rậm rạp, rễ cây cành lá xum xuê hoặc vỉa đá nhô ra. Quan trọng là nơi đó phải yên tĩnh và ít người qua lại. Nếu mặt nước có bóng người, bóng cần câu, cá sẽ cảnh giác bỏ trốn.
Khi trời mưa to gió lớn, cá thường trốn tránh, không dám kiếm ăn. Những ngày nắng gắt, do ánh sáng chiếu gay gắt, cá cũng không ra tìm mồi. Sau cơn mưa, trời hửng sáng, không khí mát mẻ, cá tranh nhau tìm mồi, lúc đó là thời điểm lý tưởng để buông câu.
Theo kinh nghiệm của các cần thủ thì cá chép là loài khó câu nhất trong các loài cá thông dụng hiện có. Bởi chúng rất thông mình và nhạy cảm. Do vậy để thu hút được cá chép thì mồi câu phải thật chuẩn. Một mồi câu chuẩn phải có mùi thơm như mít chín, sánh mịn và vị hơi ngọt.
Khi thả mồi câu xuống nước phải tạo được sự lan tỏa của của mùi thơm, như vậy mới dụ được cá chép đến. Vì mồi câu thì chỉ có sức thu hút trong 1 phạm vi hẹp, nên cần thả thêm thính để dụ trong phạm vi rộng hơn. Một yếu tố quan trọng tiếp theo là phải đủ nhạy để biết được khi nào cá chép ăn mồi, khi nào nó đang ngậm mồi, như vậy mới có thể giật cần chính xác nhất.
Câu cá hiện 4 kiểu câu chính là: câu lục, câu Đài Loan (còn gọi là câu lưỡi một), câu cá tràu (hay còn gọi là câu lure) và câu biển. Mỗi kiểu câu đều có yêu cầu nhất định về kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như từng loại cá.
Trong đó câu lục (gồm 6 lưỡi câu không ngạnh sắc bén) là kiểu câu phổ biến nhất bởi độ chính xác cao. Theo phương pháp này thì người câu không cần mắc mồi, chỉ cần thả thính xuống dưới nước tập trung ở một vị trí để nhử cá đến; khi cá đến ăn mồi thường quệt vào dây cước khiến phao lay động, người câu sẽ giật mạnh chùm lưỡi lao từ dưới đáy lên dính vào thân cá.
Sau những khám phá thú vị về mồi câu, chúng tôi có dịp mục sở thị những bộ cần câu "khủng" hiện đang được một số cần thủ có tiếng sở hữu tại Nghệ An cũng như tìm hiểu những kinh nghiệm "sát cá" của họ. Những thông tin này sẽ được đề cập đến trong kỳ tiếp theo của bài viết.
Thanh Quỳnh