(Baonghean) - Ở Vinh có nhiều khu chợ. Chợ lâu đời, có tiếng, đi cả vào ca dao như chợ Vinh, sau này có thêm chợ Cửa Bắc, Cửa Đông, Bến Thủy...; nhiều chợ mới được xây dựng như chợ Phong Toàn, Hưng Dũng, chợ Ga, chợ Cọi...; chợ xép, chợ tạm thì vô vàn ở mỗi góc phố, cụm dân cư. Này góc nhỏ dưới chân nhà B1 Quang Trung, chợ dưới chân núi Quyết, chợ Nghi Phú, chợ Quán Bánh, chợ Quán Bàu... Ở đâu cũng có chợ. Và, mỗi chợ lại có một nét riêng...
Tôi đã từng gây ngạc nhiên, khi bạn hỏi tôi: Sao cứ thích ở mãi chung cư thế? Và tôi đã trả lời rằng, mình không muốn ở nơi nào khác một phần vì tiếc... chợ, vì nhớ... chợ. Sau một hồi “mắt tròn mắt dẹt”, bạn gật đầu, chừng hiểu: “Ừ, nhất cận thị, nhị cận giang”. Nhưng với tôi, đâu giản đơn là sự tiện lợi. Tôi nhớ chợ, như nhớ một gương mặt quen. Tôi nhớ chợ bởi nó đã quá thiết thân với cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi nhớ chợ, bởi nó không phải chỉ là chỗ để mua sắm, mà nó còn cho tôi những phút lao xao đầy yên bình...
Chợ của tôi, một ngôi chợ tuổi chừng hai chục năm, vẫn nguyên dáng vẻ lúp xúp như ngày đầu tôi gặp. Những cái mái lợp pờ rô xi măng. Những cái bạt căng lên, trĩu nặng bởi nắng mưa. Một vài quầy hàng có sửa sang thì cũng chỉ là lát cái nền mới, đặt thêm cái tủ kính, làm thêm giàn treo.
Vẫn bao nhiêu gương mặt người bán, mua. Mỗi người mang theo một số phận, bày ra với chợ, bày ra với rau, với quả, với cá, với thịt vào mỗi sớm mai hay mỗi chiều hôm. Họ ngồi đó, nhìn quầy hàng, nhìn những người lại qua, vồn vã chào mời, rồi quay sang nhau nói dăm ba câu chuyện phiếm, kể chuyện gia đình, đôi khi buôn chuyện người ngoài hay các chuyện đang nóng hổi trên báo, trên mạng…Trong danh bạ điện thoại của mình, tôi vẫn lưu những cái tên: Chị Dung gạo, chị Yến cá, chị Mai quả, Phượng tạp hóa, chị Hà tỏi, em Vân bò, Ngọc áo… Chao ôi, đọc lên đã thấy thiết thân, đã thấy dân dã như… chợ vậy.
Rõ là giữa phố, nằm cạnh con đường trung tâm và hiện đại bậc nhất thành Vinh, ấy mà chợ Quang Trung luôn mang cái vẻ cũ kỹ. Nhiều người nói, nó đang làm mất mỹ quan của phố. Cũng phải, nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, nhìn nó có vẻ khổ sở và lạc lõng. Ấy vậy nhưng, đôi phút giật mình, lại nghĩ, nếu nó thay một tấm áo mới, không biết tôi sẽ phải mất bao lâu để quen? Liệu rằng cái nếp cũ có còn? Ừ nhỉ, cái nếp chợ. Tôi cứ tạm gọi như vậy, một cái nếp mà người ta ngầm hiểu với nhau. Một cái nếp mà ai “ăn chợ Quang Trung” chắc cũng có chung cảm nhận.
Có thể hình thành bởi thói quen mua bán tiện lợi từ khách hàng, bởi một vài nhóm hàng, hay từ một ai đó dọn chỗ ngồi để rồi sau đó lần lượt ngồi theo, ấy vậy mà hình thành dãy bán rau, dãy bán gà, dãy bán tôm cá. Phát sinh thêm nữa một khu chợ giữa mấy nhà C cũ. Vậy là chợ Quang Trung có thêm những ngách vào, từ đường Quang Trung, từ đường Hồng Bàng, từ đường Minh Khai... Có những quầy hàng chỉ cần một cái rổ sảo, một tấm bạt nhỏ tý hin trải xuống. Đó là bà bán ổi quê Nam Anh, Nam Đàn luôn miệng “quảng cáo” ổi nhà, ổi vườn, bà bán rau bí đến từ Hưng Nguyên, hay chị bán ngô quê Nghi Lộc...
Chợ Quang Trung không quá rộng nhưng “thượng vàng hạ cám” gì cũng có, từ quần áo, đồ trang sức, đồ chơi trẻ em cho đến các hàng thực phẩm khô, tươi sống, những hàng ăn nhẹ như bánh nếp, bánh tẻ, khoai sắn, lạc luộc… Ngay đầu chợ là hoa quả, rau dưa, hàng xén, đồ nan, hàng hoa chen chân cùng hàng tạp hóa. Tiếp đến dãy đồ nhựa, đồ sứ, giày dép, quần áo, kim băng, túi bóng, chăn chiếu tới gạo, vải, mỹ phẩm. Bên trong lại có cả hàng ăn uống từ sáng tới chiều. Đừng tưởng chợ là nơi tạm bán cho “người chợ” nhé, quán “Bún vịt trộn” của chị Nguyệt rất có thương hiệu, nhiều người vì mê món vịt trộn này mà đánh đường xa, chịu khó ngồi giữa chợ, dưới mái che lụp xụp chỉ để thưởng thức cho đã.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng nói rằng, ông thích chợ bởi đó là nơi bày ra các thực phẩm trần gian. Có lẽ theo một cách hiểu nào đó thì ông yêu thực phẩm như yêu cách mà sự sống được nuôi dưỡng. Tôi cũng tin rằng khi một ai đó muốn tìm đến chợ thì người đó hẳn rất yêu đời, không phải theo nghĩa đen phàm tục của quy luật sinh tồn, mà còn bởi sự phấn khích rất khó lý giải đối với việc sống. Khi ta tìm đến chợ, nghĩa là ta háo hức với việc trao đổi, giao lưu, ta thích hòa mình vào đám đông, vào sự nhốn nháo dễ chịu của nó, và ta háo hức với việc mua gì đó cho gia đình bé nhỏ của mình, để hôm nay mọi người sẽ quây quần bên nhau nếm thử các món ăn ngon, trong căn phòng sạch sẽ.
Khi ta tìm đến chợ, nghĩa là ta chấp nhận một quy luật rằng, có mua có bán, có trao có nhận, và phía sau cuộc chơi sòng phẳng ấy, những nụ cười, những lời chào hỏi han thân tình là thứ mà ta có được, hoàn toàn miễn phí, và nó có ý nghĩa hơn một sự giao lưu thông thường, thậm chí đôi khi nó có thể khiến ta thấy lòng vô cùng ấm áp… Góc chợ Quang Trung đã cho tôi cảm giác đó. Có những ngày xa Vinh, một trong những nỗi nhớ của tôi là góc chợ ấy.
Và tôi, đã nghe những âm vang đó, từ chợ, lao xao vọng lại cõi lòng mình. Lạ là, tiếng chợ lao xao ấy, lại khiến tôi thấy mình thanh thản lạ kỳ, như được trút bỏ, như được sẻ chia...
Thùy Vinh