(Baonghean) - Cùng với cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng gắn bó với bao thế hệ sinh ra từ làng. Với những người con xa quê, chứng tích thiêng liêng ấy càng khiến họ đau đáu khôn nguôi khi nhớ về.
Ai từng được sinh ra từ làng, hẳn không còn xa lạ với cái cổng làng. Cổng làng là con mắt, là linh hồn, tính cách của làng quê. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, cổng làng hiện diện như một chứng tích, một dấu ấn văn hóa độc đáo mang bản sắc của nền nông nghiệp lúa nước.
Các cụ cao niên còn nhớ, xưa kia, làng dựng cổng rồi cắt phiên người canh giữ, đề phòng giặc giã, trộm cướp. Nếu có điều bất ổn sẽ gióng lên hồi trống hoặc kẻng báo động dân làng. Cổng xây bằng sò, khá hơn thì bằng gạch hay đơn giản chỉ là bụi tre, hai bên nối dài bao bọc lấy làng, xung quanh thường đào kênh, rạch... Có nơi cổng làng bình dị lắm, cây đa, cây gạo trăm tuổi vươn bóng xanh cũng được xem là cái cổng của làng.
Đã từ bao đời nay, cổng làng chính là cửa ngõ tinh thần, là nhịp đập của thời gian và là cái hồn cốt của lũy tre, mái ngói, hàng cau. Cổng là nơi đón sinh khí, phúc lộc và những điều tốt đẹp mang thịnh vượng đến cho ngôi làng. Cổng làng chứng kiến biết bao chuyện buồn vui của làng từ những ngày khai cơ, lập ấp. Vào mỗi sáng mai, người dân làng bước ra từ đó để đi học, đi làm.
Cổng là nơi dừng chân của mẹ buổi làm đồng về qua, nơi nghỉ lại của cha sau buổi cày vất vả. Ở đó, những đứa trẻ quê tìm thấy niềm vui bất tận trong những trò chơi dân gian. Cổng làng còn là nơi những đứa con xa da diết nhớ về...
Đâu đó giữa dòng đời tấp nập, hình bóng quê nhà cuộn lên trong tâm thức, thôi thúc những bước chân trở về. Biết bao người đã xao lòng khi đứng trước cổng làng rêu phong, nhuốm lên màu xưa cũ? Lời thì thầm của cây đa già thâm nghiêm, của lũy tre thăm thẳm ngày hạ, của cây gạo bồng bềnh tháng Ba có sức lay động mạnh mẽ, vượt ra khỏi giới hạn không gian và thời gian. Bởi đơn giản một điều đó là “mảnh hồn làng” - mảnh hồn đã in sâu, ghi tạc trong máu xương của mỗi người tha hương.
Tôi đã từng được nghe câu chuyện kể, về một người lính già quá nửa đời phiêu dạt, gần đất xa trời. Nhưng cụ có một khao khát cháy bỏng là được về thăm quê, được tự tay xắn áo lần sờ vào những vỉa tầng cổng làng nơi chôn nhau cắt rốn một lần cuối, rồi có chết cũng thỏa lòng. Cuối cùng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, con cháu đưa cụ về quê thực hiện di nguyện. Nhưng khi tìm về tới nơi thì... người xưa còn đó mà cổng làng nay đâu? Người lính già với ánh nhìn xa xăm, bùi ngùi, rưng rưng trước bao đổi thay, mái tóc bạc trắng phất phơ trong ráng chiều ngày Đông giá...
Vì cho rằng cái cổng làng xưa cũ, chật hẹp không còn phù hợp với con đường bê tông mở rộng, cản trở lối ra vào của những chiếc xe máy, ô tô, những chiếc xe công nông và cả xe tải nặng... phục vụ các nhu cầu thiết yếu của đời sống mới, nhiều làng bây giờ đã phá bỏ cổng làng trăm tuổi, thay vào đó là chiếc cổng chào to lớn.
Có những cổng chào to đến mức khó tưởng tượng, khiến bao người lại qua phải ngỡ ngàng, chưng hửng. Đã thế, những chiếc cổng xây sau càng quy mô và hoành tráng hơn những chiếc cổng xây trước. Để cho “xứng tầm” với nông thôn mới, với những ngôi nhà cao tầng và biệt thự trong làng. Cổng làng mới tuy to lớn, bề thế nhưng sao vẫn cảm thấy đơn điệu, vô hồn và lạc lõng?
Thậm chí, nhiều nơi còn không có cả cổng làng lẫn cổng chào, chỉ thẳng tắp con đường vào làng trống trải. Chắc hẳn nhiều người sẽ lạc lối vì không phân biệt được ranh giới giữa làng này và làng kia, không biết đâu là đầu làng, cuối làng nữa.
Cổng làng mất rồi, những đứa con xa biết bấu víu vào đâu, biết tìm đâu cái cột tiêu ký ức để trở về? Trẻ thơ lớn lên có còn biết mình sinh ra từ làng, quý trọng những giá trị quê hương sâu thẳm? Đừng đổ cho cơ chế thị trường và tốc độ đô thị hóa nông thôn mà bỏ đi những cổng làng quen thuộc, bởi ai đó đã từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ Quốc”.
Sẽ là không trọn vẹn, không sâu sắc nếu như tình yêu quê nhà lại không xuất phát từ những vật thể thấm đẫm văn hóa tâm linh, bình dị và mộc mạc như cổng làng. Sự đổi mới là cần thiết, song cần lưu giữ và bảo tồn những giá trị làm nên linh hồn và cốt cách làng quê.
Nguyễn Hòe