(Baonghean) - Một đồng chí ở cơ quan tôi đã gần 50 tuổi, cơ quan cử đi đào tạo nâng cao về nghiệp vụ. Ban đầu đồng chí ấy không muốn đi, sau khi được vận động, giải thích, đồng chí ấy vui vẻ đi ngay.

- Chuyện hay đấy, ông kể tôi nghe với! Vì sao ban đầu lại không chịu đi, và vì sao sau đó lại vui vẻ đi?

images1768075_it_tien_thi_dung_mo_tuong_toi_dinh_cao_hoc_van.jpgNhiều người quan niệm sai lầm việc học. Ảnh minh họa.

- À, ban đầu đồng chí ấy cho rằng đã có nhiều thâm niên, chỉ còn khoảng hơn 10 năm công tác nữa là về hưu. Đồng chí ấy lại không có trong quy hoạch, không có điều kiện để phát triển nữa. Vì vậy, không muốn đi học thêm nữa vì nghĩ chỉ thêm tốn kém, mà chẳng giúp gì cho việc “thăng tiến”, phát triển. Với lại cũng có tâm lý... tự bằng lòng, cho rằng vẫn còn “đủ sức” để đáp ứng công việc hiện tại. Vì thế nên... ngại đi học.

- Thế thì tổ chức đã vận động như thế nào mà đồng chí ấy “chịu” đi học với tinh thần thoải mái chấp hành?

- Có gì đâu, chẳng qua là tổ chức giải thích cho họ rõ lâu nay nhiều người thường nhận thức mục đích của việc đào tạo chỉ là để nâng lương, nâng chức. Nhiều người chỉ đơn thuần cho rằng đào tạo thêm về chính trị hay về chuyên môn chỉ là để đáp ứng điều kiện để bổ nhiệm, chỉ nhằm mục đích thăng quan tiến chức. Thế nên chỉ khi có điều kiện thăng tiến họ mới đi học. Trong khi, mục đích của việc đào tạo, cho dù đó là đào tạo lên hay đào tạo lại, quan trọng nhất vẫn là để đáp ứng yêu cầu công việc tốt hơn. Với yêu cầu hội nhập và phát triển ngày càng cao thì mọi cán bộ đều phải đào tạo và tự đào tạo liên tục mới có thể vươn lên đáp ứng hàng ngày. Huống chi đồng chí ấy còn hơn 10 năm công tác. Sau khi trao đổi như vậy, đồng chí ấy nhận ra mục đích của việc học một cách đầy đủ, toàn diện hơn, nên vui vẻ đồng ý đi học thôi.

- Câu chuyện mà ông nói đến làm tôi nghĩ đến thực trạng của việc học, việc đào tạo hiện nay. Có ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều người quan niệm việc đào tạo, việc học thêm rất hời hợt, hình thức.

- Đúng thế đấy! Do nhận thức việc tham gia các khóa đào tạo chỉ cốt để lấy bằng cấp chứng chỉ, cho nên dẫn đến việc học, việc đào tạo cũng chưa chất lượng. Vì một khi chỉ cốt lấy bằng cấp, lấy chứng chỉ, thì họ cũng không mấy chú trọng về kiến thức, về nội dung chương trình đào tạo. Bởi vậy, cần có quan điểm đúng đắn, toàn diện về mục đích của việc đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn cũng như về chính trị. Có như thế mới thực hiện việc đào tạo một cách chất lượng, thiết thực, hiệu quả.

- Tôi cũng nhất trí như thế! Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc thì bất cứ ai cũng phải quan tâm đến việc đào tạo và tự đào tạo. Và mục đích của đào tạo trước hết vẫn là phục vụ tốt hơn cho công việc được giao. Dĩ nhiên, nếu như phục vụ tốt hơn yêu cầu công việc được giao thì cũng tạo ra nhiều cơ hội để được bồi dưỡng, phấn đấu và trưởng thành.

Đức Dương

TIN LIÊN QUAN