(Baonghean) - Sự kiện Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hôm 1/12/2016 có ý nghĩa lớn đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, với đặc thù là gắn liền với niềm tin tôn giáo, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (mà hạt nhân là hát Chầu văn, hầu đồng) đang đứng trước nguy cơ bị biến tướng, ít nhiều mang màu sắc mê tín dị đoan, bị trục lợi vì mục đích cá nhân.
Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, núi rừng, sông nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân thường được phối thờ ở các đền theo đạo Mẫu.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - mà hạt nhân là nghi thức hát văn hầu đồng, là sự hỗn dung giữa tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố du nhập từ các tôn giáo bên ngoài như Đạo giáo, Phật giáo.
Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần Tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Nùng, Dao... thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.
Vì vậy, một khi chính thức được công nhận là Di sản phi vật thể của quốc gia và quốc tế, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sẽ có cơ hội được nhìn nhận, đánh giá đúng giá trị.
Tuy nhiên, nỗi lo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa và dư luận xã hội về sự biến tướng của loại hình sinh hoạt tín ngưỡng này không phải là không có lý, khi gần đây, hoạt động hầu đồng, dâng thánh diễn ra tràn lan khắp các đền to phủ lớn với những biểu hiện thương mại hóa, mê tín dị đoan.
Thậm chí người chẳng làm sao chỉ muốn khoe mình lắm của nhiều tiền, lễ hay múa giỏi, cũng hầu đồng ở đền to, phủ lớn để được mượn tay thánh thần vung tiền phát lộc trong một phút lãng đãng khói hương giữa tiếng nhạc lời ca khi rộn rã, khi dặt dìu của các cung văn.
Cái đó dân gian gọi là đồng đua, đồng đú. Tức là thấy người ta đi hầu, mình có tiền, cũng ra hầu, chỉ đơn giản là để giải tỏa những dồn nén trong cuộc sống, được thể hiện mình biết chơi.
Không có tín ngưỡng, tôn giáo nào dạy con người làm điều xấu. Chỉ có con người lợi dụng nó cho những mục tiêu xấu xa mà thôi.
Vì vậy, việc công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý, phát huy văn hóa truyền thống, về quyền tự do tín ngưỡng của công dân.
Ranh giới mong manh giữa nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (hát văn hầu đồng) với hoạt động mê tín dị đoan, khuyến khích đại chúng say sưa trong một niềm tin siêu thực vào thánh thần có thể biến một bộ phận không nhỏ người dân thành kẻ mê muội, không tin vào thực tại mà chỉ cầu mong vào sự xin xỏ, hối lộ thánh thần.
Vì vậy, việc vinh danh các giá trị văn hóa dân gian liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo nếu không có sự ứng xử phù hợp, rất dễ bị lợi dụng trở thành mê tín dị đoan.
"Đồng tiền có gai, mà Thánh thì có mắt". Nghi thức hầu đồng có thực sự là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hay bị biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan, nơi để các ông đồng, bà cốt mượn hơi thánh thần lòe bịp thiên hạ nhằm hại người lợi mình! Tất cả đều bắt đầu từ cái tâm của mỗi con người.
Vân Thiêng